Ánh sáng phát ra từ các loài chim có bước sóng dao động từ xanh lam nhạt đến xanh lục. Ảnh: The Guardian
Theo tờ The Guardian ngày 12/2, 37 trong số 45 loài chim thiên đường có thể hấp thụ tia cực tím hoặc ánh sáng xanh, sau đó phát ra ánh sáng ở tần số thấp hơn và giúp chúng trở nên rực rỡ hơn những gì mắt thường có thể nhìn thấy.
Nghiên cứu do các nhà khoa học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ thực hiện và được công bố trên tạp chí Royal Society Open Science. Kết quả cho thấy khả năng phát quang sinh học làm tăng độ sáng và sắc thái của lông vũ, khiến lông vàng có thể ngả sang xanh lục hoặc lông trắng trở nên rực rỡ hơn với sắc vàng lục nhạt.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân tích các mẫu vật chim thiên đường được bảo quản trong bộ sưu tập của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ. Bằng cách chiếu ánh sáng xanh trong phòng tối và theo dõi bước sóng cùng cường độ ánh sáng phát ra, họ phát hiện nhiều loài có đặc tính phát quang rõ rệt. Một số mẫu còn được thử nghiệm với ánh sáng UV để kiểm tra phản ứng trên da.
Kết quả cho thấy chim trống của 21 loài có vùng phát quang sinh học trên đầu, cổ, bụng, lông đuôi hoặc thùy thịt quanh mặt. Ngoài ra, những loài này cùng với 16 loài khác có khả năng phát quang trong khoang miệng và cổ họng, một đặc điểm có thể đóng vai trò quan trọng trong giao tiếp và sinh sản. Ở chim mái, hiện tượng này cũng xuất hiện trên 36 loài và có khả năng tồn tại ở loài thứ 37. Một số cá thể phát quang ở vùng ngực, bụng hoặc các sọc mắt hai bên đầu.
Ánh sáng phát ra có màu sắc dao động từ xanh nhạt, xanh lam nhạt đến xanh lục và vàng lục. Các nhà khoa học nhận định rằng hiện tượng phát quang sinh học này không làm thay đổi màu sắc lông vũ nhưng giúp chúng trở nên sáng hơn và bắt mắt hơn, đặc biệt trong điều kiện ánh sáng yếu.
Đáng chú ý, ba chi Lycocorax, Manucodia và Phonygammus không có đặc điểm phát quang. Điều này củng cố giả thuyết rằng tổ tiên chung của chim thiên đường từng sở hữu khả năng này nhưng một số nhóm đã mất đi trong quá trình tiến hóa.
Hiệu ứng phát quang sinh học có thể giúp chim trống thu hút bạn tình trong các màn tán tỉnh cầu kỳ. Chẳng hạn, loài Lophorina trống thường há miệng về phía chim mái khi giao phối và phát quang trong miệng có thể làm tăng hiệu quả thị giác của hành vi này. Ngoài ra, chim trống thường có các vùng phát quang nằm cạnh bộ lông đen hoặc sẫm màu, tạo ra sự tương phản mạnh mẽ khi trình diễn.
Ở chim mái, phát quang sinh học có thể phục vụ mục đích khác. Vị trí và kiểu phát quang ở nhiều loài cho thấy đặc điểm này có thể giúp chim ngụy trang hiệu quả hơn trong môi trường tự nhiên.
Nghiên cứu này mở ra góc nhìn mới về chim thiên đường, một nhóm chim đã được quan sát và nghiên cứu sâu rộng nhưng vẫn còn nhiều điều chưa được khám phá. Các nhà khoa học nhận định rằng phát hiện này giúp làm sáng tỏ cách chim thiên đường sử dụng thị giác, hành vi và hình thái để thích nghi với môi trường sống.