Phát biểu trong cuộc họp báo ở Geneva, ông Alpha Seydi Ba – người phát ngôn của UNHCR ở khu vực Trung và Tây Phi - cho biết đã có hơn 3,3 triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa ở Burkina Faso, Mali và Niger trong 4 năm qua do xung đột ngày càng trầm trọng và những tác động của tình trạng biến đổi khí hậu. Theo ông, điều này “đòi hỏi phải có hành động quốc tế ngay lập tức” để ngăn tình trạng không trở nên tồi tệ hơn.
Khu vực Sahel rơi vào vòng xoáy bạo lực từ nhiều năm qua. Năm 2012, Mali bắt đầu bị tàn phá bởi các nhóm liên kết với tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qaeda hay tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng, cũng như các lực lượng tự vệ và băng đảng. Trong khi đó tại Burkina Faso, một trong những quốc gia bất ổn và nghèo đói nhất thế giới, nước này đã chứng kiến tới 2 cuộc đảo chính trong năm 2022.
Theo lời của ông Seydi Ba, UNHCR quan ngại sâu sắc về cuộc khủng hoảng nhân đạo đang gia tăng nhanh chóng ở khu vực Sahel khi phụ nữ và trẻ em đối diện với nhiều nguy cơ bị bóc lột, lạm dụng và buôn bán; người dân thiếu chỗ ở, nước sạch và khu vệ sinh; trong khi tình trạng bất ổn dai dẳng khiến nhiều người không thể trở về nhà. Bên cạnh đó, tình trạng di cư xuyên biên giới cho thấy cuộc khủng hoảng đang ngày càng trầm trọng và cần phải có các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ lâu dài cho khu vực này.
Theo tính toán của UNHCR, cơ quan này cần 443,5 triệu USD để có thể đáp ứng nhu cầu nhân đạo khẩn cấp ở các nước Burkina Faso, Mali, Niger, Mauritania và Guinea.