Theo cảnh sát, nhóm này bị cáo buộc lừa đảo hàng nghìn nhà đầu tư ở Brazil, Mỹ và ít nhất 10 quốc gia khác bằng cách thuyết phục họ "thuê" tài sản tiền điện tử, được cho là mang lại lợi nhuận lên tới 20%/tháng. Trên thực tế, trong khi một phần tiền được sử dụng để thanh toán hằng tháng, phần còn lại được sử dụng để mua bất động sản có giá trị cao, xe hơi sang trọng, tàu thuyền, quần áo hàng hiệu, đồ trang sức và các mặt hàng khác cho chính các nghi phạm.
Cuộc trấn áp, với sự tham gia của khoảng 100 cảnh sát, diễn ra sau khi Bộ An ninh Nội địa Mỹ cung cấp thông tin cho giới chức Brazil về một vụ rửa tiền trị giá hàng triệu USD liên quan đến một chương trình đầu tư tiền điện tử lửa đảo (Ponzi) có trụ sở ở Brazil. Nhóm điều hành chương trình Ponzi bị cáo buộc đã chuyển tới 4 tỷ reais (770 triệu USD) chỉ riêng ở Brazil trong vòng 6 năm. Người bị cáo buộc là chủ mưu của chương trình Ponzi - được báo chí gọi là "Bitcoin Sheik" - có cơ sở tại thành phố Curitiba, miền Nam Brazil, nơi đối tượng tuyên bố đã tập hợp một nhóm lớn các nhà giao dịch tiền điện tử.
Cảnh sát cho biết nhóm nghi phạm, bao gồm nhiều thành viên trong cùng một gia đình, cũng bán các loại tiền điện tử được cho là của riêng mình, hứa hẹn lợi nhuận hàng tháng cực kỳ lớn. Báo chí Brazil cho biết trong số các nạn nhân, có cả các cầu thủ bóng đá và con gái của một người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng.
Cảnh sát đặt tên cho cuộc trấn áp này là “Chiến dịch Poyais”, theo tên một vùng đất hư cấu ở Trung Mỹ do tên lừa đảo khét tiếng người Scotland ở thế kỷ 19 Gregor MacGregor tạo ra. Vụ lừa đảo của MacGregor đã gây ra sự sụp đổ của thị trường chứng khoán vào năm 1825 bằng cách lừa các nhà đầu tư Anh và Pháp với hy vọng kiếm được tài sản ở "Thế giới mới" từ số tiền tương đương khoảng 5 tỷ USD ngày nay.