Cuộc khủng hoảng người di cư diễn ra ở biên giới Ba Lan và Belarus sau khi các quan chức Ba Lan cáo buộc Belarus giúp người di cư di chuyển về phía biên giới, đồng thời cảnh báo sẽ huy động thêm hàng nghìn binh lính để đề phòng. Trong ảnh là cảnh hàng trăm người di cư dựng trại ở biên giới Belarus với Ba Lan hôm 10/11.
Những người di cư quấn chăn của Hội Chữ thập đỏ ngồi dưới đất trong một khu rừng gần biên giới Ba Lan-Belarus. Nhóm người di cư này sau đó được lính biên phòng Ba Lan hướng dẫn ra khỏi rừng và đưa đến khu trại tạm.
Một cậu bé trong nhóm người di cư tập trung trong một khu trại gần biên giới Belarus-Ba Lan hôm 10/11.
Lãnh đạo lực lượng biên phòng Ba Lan Ewelina Szczepańska cho biết tình hình ở biên giới vô cùng khó khăn. Ngày càng nhiều nhóm người di cư tới biên giới. Họ nỗ lực để vượt biên.
Trong ảnh là cảnh những người di cư đốt củi sưởi ấm.
Một đứa trẻ trong đoàn người di cư nhìn qua cửa sổ của một chiếc xe trong khu rừng gần biên giới Ba Lan-Belarus.
Đồ dùng của người di cư để lại sau khi họ rời khu trại tạm để ở qua đêm. Theo giới chức, hiện có 4.500 nhân viên biên phòng và 9.500 binh lính Ba Lan tại biên giới khi vài nghìn người di cư đang đi về phía biên giới Ba Lan.
Họ nhận được viện trợ nhân đạo do các thành viên của Hội Chữ thập đỏ Belarus và Hội đồng Cộng hòa Belarus cung cấp.
Những người di cư đốt lửa sưởi ấm ở vùng Grodno, Belarus gần biên giới. Trước đó, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko từng bị Thủ tướng Ba Lan, Latvia và Lithuania cáo buộc gây ra khủng hoảng di cư ở biên giới, khiến Ba Lan thông qua một dự luật hồi tháng 10 để xây tường biên giới với Belarus. Song Chính phủ của Tổng thống Lukashenko liên tục bác bỏ cáo buộc này.
Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) Michelle Bachelet đã kêu gọi các nước liên quan xuống thang và giải quyết cuộc khủng hoảng “không thể dung thứ” này. "Hàng trăm đàn ông, phụ nữ và trẻ em này không thể phải trải qua một đêm nữa trong thời tiết lạnh giá mà không có nơi trú ẩn, thức ăn, nước uống và dịch vụ chăm sóc y tế đầy đủ", bà nói.