Trả lời đài truyền hình NRK của Na Uy vào cuối tuần, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã bày tỏ lo ngại rằng cuộc chiến ở Ukraine có thể vượt khỏi tầm kiểm soát và trở thành một cuộc xung đột toàn diện giữa Nga và NATO. Theo ông Jens Stoltenberg, “nếu mọi thứ trở nên tồi tệ, chúng có thể trở nên sai lầm khủng khiếp. Đó là một cuộc chiến khủng khiếp ở Ukraine, có thể lan rộng thành một cuộc chiến lớn giữa NATO và Nga. Chúng tôi đang làm việc đó mỗi ngày để tránh điều đó”. Ông Stoltenberg nói thêm rằng điều quan trọng là phải tránh một cuộc xung đột "liên quan đến nhiều quốc gia ở châu Âu và trở thành một cuộc chiến tranh toàn diện ở châu Âu".
Trong khi đó, vào hôm 16/12, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Liên bang Nga Dmitry Medvedev đã bày tỏ nghi ngờ với tuyên bố của NATO về việc không muốn chiến tranh với Moskva. Ông Medvedev viết trên kênh Telegram cá nhân rằng: “Liệu những hành động cung cấp lượng vũ khí khổng lồ cho Ukraine có thể được coi là một cuộc tấn công nhằm vào nước Nga hay không?… Giới lãnh đạo các quốc gia thành viên NATO cùng tuyên bố đất nước của họ và toàn bộ khối không muốn chiến tranh với Nga. Nhưng mọi người đều nhận thức rõ vấn đề là hoàn toàn khác”.
Bình luận của ông Medvedev được đưa ra sau khi xuất hiện thông tin rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang hoàn tất kế hoạch gửi hệ thống tên lửa đất đối không hiện đại Patriot, sau khi Kiev đề nghị được viện trợ các hệ thống phòng không tiên tiến này suốt nhiều tháng qua, nhằm chống lại các vụ tấn công liên tiếp vào các mục tiêu quân sự và cơ sở hạ tầng từ phía Nga. Các quan chức Mỹ được hãng tin CNN dẫn nguồn cho biết sau khi kế hoạch được chốt, hệ thống tên lửa Patriot dự kiến sẽ nhanh chóng được chuyển giao và binh sĩ Ukraine sẽ được huấn luyện cách sử dụng chúng tại một căn cứ của Mỹ ở Grafenwoehr, Đức.
Thông tin này lập tức được nhiều cơ quan truyền thông quốc tế dẫn lại và phía Moskva đã có phản ứng bước đầu. Ngày 14/12, hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời Phó Chủ tịch thứ nhất của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga, ông Vladimir Dzhabarov cho rằng việc Washington cấp vũ khí cho Kiev làm dấy lên nguy cơ về một cuộc xung đột giữa Nga và NATO do Mỹ dẫn đầu. Theo ông Dzhabarov, Washington đã đẩy thế giới đến bờ vực của cuộc Thế chiến thứ ba, đồng thời khiêu khích Nga bước vào cuộc xung đột trực tiếp với NATO. “Đặc biệt nếu Ukraine lắp đặt hệ thống phòng không Patriot, mọi người đều hiểu rõ mối đe dọa đó”, ông Dzhabarov nhấn mạnh.
Hôm sau, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cảnh báo tất cả vũ khí do phương Tây cung cấp cho Ukraine sẽ bị phá hủy hoặc tịch thu, đồng thời nhấn mạnh đây là "những mục tiêu hợp pháp". Về phần mình, Đại sứ quán Nga tại Mỹ ra tuyên bố cảnh báo rằng việc chuyển hệ thống Patriot cho Ukraine sẽ sẽ là một bước đi khiêu khích nữa của chính quyền Tổng thống Joe Biden và có thể dẫn đến "những hậu quả khó lường".
Trong một diễn biến liên quan tới xung đột ở Ukraine, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger cho rằng bước ngoặt trong cuộc chiến ở Ukraine có thể được sử dụng để đạt được một giải pháp hòa bình nhằm tránh xung đột chuyển sang giai đoạn toàn cầu. Viết trên tờ Spectator của Anh, ông Kissinger còn lưu ý về tiềm năng hạt nhân của Nga, vốn vẫn chưa bị mất đi sau thất bại địa chính trị của Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Cựu Ngoại trưởng Mỹ đánh giá việc chia cắt nước Nga thành nhiều quốc gia gây nguy hiểm cho toàn thế giới, vì theo ông, hành động này đe dọa xuất hiện nhiều cuộc xung đột cục bộ, vốn trở nên trầm trọng hơn bởi sự hiện diện của một kho vũ khí hạt nhân khổng lồ.