Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, số liệu của Văn phòng Hàng hải quốc tế (IMB) cho thấy, trong năm 2020, trên toàn cầu xảy ra 195 vụ cướp biển - tăng 20% so với năm trước đó, trong đó 135 thủy thủ đoàn bị bắt cóc. Trong số con tin bị bắt giữ trong 22 vụ riêng rẽ có 95% đến từ Vịnh Guinea (Tây Phi).
Ông Kamal-Deen Ali, người đứng đầu Trung tâm Luật và An ninh hàng hải có trụ sở ở Ghana, cho biết các vụ cướp biển ở Tây Phi ban đầu tập trung ở ngoài khơi Nigeria, sau đó đã lan rộng đến vùng biển ngoài khơi Benin, Guinea Xích đạo, Gabon, Ghana, Togo và Cameroon. Ở Vịnh Guinea, nhà phân tích cấp cao của Risk Intelligence (Đan Mạch) Dirk Siebels đánh giá tình hình khá ổn định trong thập kỷ qua, song các vụ bắt cóc với số nạn nhân trên 10 người ngày càng phổ biến. Trong khi đó, Giáo sư về quản lý rủi ro tội phạm Bertrand Monnet thuộc Trường Kinh doanh EDHEC (Pháp) đồng thời là chuyên gia nghiên cứu về cướp biển ở Tây Phi, ước tính có tối đa 15 băng nhóm cướp biển đang hoạt động ngoài khơi Tây Phi, mỗi nhóm có khoảng 20-50 thành viên.
Các vụ tấn công tàu thuyền đã làm tăng chi phí bảo hiểm và các chi phí khác đối với các chủ hàng hoạt động ngoài khơi Tây Phi, trong đó nhiều chủ tàu phải thuê các tàu hộ tống thuộc lực lượng hải quân.
Vịnh Guinea là vùng biển rộng lớn của Đại Tây Dương với hơn 20.000 tàu thuyền qua lại mỗi năm và các chính phủ khu vực gặp khó khăn trong đảm bảo an toàn do hạn chế về nguồn lực cảnh sát. Được bao quanh bởi đường bờ biển dài gần 6.500 km trải dài từ Senegal đến Angola, Vịnh Guinea là con đường chính đối với xuất khẩu dầu thô, cũng như nhập khẩu nhiên liệu tinh chế và các hàng hóa khác.
Năm 2013, chính phủ 25 quốc gia châu Phi giáp Vịnh Guinea đã ký Bộ quy tắc ứng xử Yaoundé để giải quyết tình trạng cướp biển. Bộ quy tắc này quy định việc chia sẻ thông tin và thành lập 5 khu vực hàng hải để cùng tuần tra, nhưng trên thực tế mới chỉ được thực hiện một phần và hầu hết các lực lượng hải quân vẫn tập trung vào việc bảo vệ vùng biển của từng quốc gia.