Nhận định này được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đã triển khai một cụm tàu sân bay chiến đấu và các máy bay chiến đấu tới Vịnh Persia hồi tuần trước. Trước đó, hôm 14/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bác bỏ thông tin cho rằng quân đội Mỹ đã triển khai một kế hoạch theo yêu cầu của Cố vấn An ninh quốc gia Nhà trắng John Bolton, cử 120.000 binh sĩ tới Iran.
Theo giáo sư Amirahmadi, sự leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Iran rõ ràng vô cùng nguy hiểm vì rủi ro rất cao trong tình trạng quân đội hai nước đã gần như chạm trán nhau. Chuyên gia phân tích này nhấn mạnh cả Mỹ và Iran dường như đang hành động rất cảm tính.
Tổng thống Trump chỉ trích việc Iran không có phản ứng trước chính sách "gây sức ép tối đa" của ông, trong khi Tehran lên án Washington về việc rút khỏi Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
Ông Amirahmadi chỉ rõ "cách tốt hơn dĩ nhiên là đàm phán về một lối thoát, song Tehran không có khả năng đàm phán trên cơ sở bình đẳng và Iran có lý khi cảm thấy sẽ thất bại thảm hại tại bàn đàm phán. Iran không muốn bị bẽ mặt một lần nữa. Trong khi đó, về phía Mỹ, Tổng thống Trump lại khẳng định việc Tehran muốn đàm phán, trong khi ông tiếp tục gây thêm sức ép quân sự đi kèm với những biện pháp trừng phạt kinh tế khắc nghiệt".
Cũng theo ông Amirahmadi, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, mặc dù là một người có lập trường cứng rắn, nhưng cũng ủng hộ các biện pháp gây sức ép về kinh tế và quân sự "để buộc Iran đầu hàng", trong khi ông Bolton lại chủ trương chiến tranh. Ông nêu rõ Mỹ sẽ không ngay lập tức sử dụng vũ lực chống Iran, nhưng nếu tiếp tục thất vọng với kết quả mà các biện pháp trừng phạt kinh tế cũng như thể hiện sức mạnh mang lại (nhằm buộc Iran đàm phán), ông Trump có thể sử dụng vũ lực khi mà Israel và Saudi Arabia cũng đang kêu gọi Mỹ tấn công Iran.