Trong một thông báo, hội đồng trên cho biết thêm hàng trăm nghìn trẻ em tại Somalia đang đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng, trong khi hàng triệu người đã rời quê hương để tìm nguồn lương thực. Đại diện của Hội đồng Tỵ nạn Na Uy tại Somalia Victor Moses nhấn mạnh tình hình nhân đạo tại quốc gia Đông Phi này đang ở mức báo động do hạn hán.
Theo ước tính của Liên hợp quốc (LHQ), khoảng 1,7 triệu người Somalia đang thiếu lương thực và dự kiến con số này sẽ tăng thêm 500.000 người vào tháng 7 tới. Tuần trước, LHQ cho biết gần 1 triệu trẻ sẽ cần điều trị chứng suy dinh dưỡng trong năm nay. Ngoài ra, 44.000 người di cư từ nông thôn lên thành thị chỉ từ đầu năm đến nay, chưa kể đến 2,6 triệu người rời nhà đi lánh nạn trên khắp Somalia.
Mùa mưa tại Đông Phi thường kéo dài từ tháng 3 - 5 hằng năm, tuy nhiên lượng mưa thấp trong thời gian qua khiến vụ mùa mất trắng cũng như gây khó khăn lớn cho những cộng đồng chăn nuôi gia súc tại vùng này. Somalia đang hứng chịu đợt khô hạn nặng nề thứ ba kể từ năm 1981.
Bên cạnh đó, người dân tại một số nước khác trong khu vực đối mặt với nguy cơ hạn hán và các hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng do biến đổi khí hậu. Hồi tháng 4 vừa qua, mạng lưới các hệ thống cảnh báo sớm về nạn đói cho biết hơn 42 triệu người tại Ethiopia, Nam Sudan, Somalia, Sudan, Kenya, Uganda và Yemen đang đối mặt với nguy cơ do tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng.
Mạng lưới do Mỹ tài trợ này cảnh báo tác động đến an ninh lương thực sẽ còn nặng nề hơn so với dự báo hiện nay nếu lượng mưa trong tháng 5 này vẫn ở mức thấp. Ngân hàng Thế giới (WB) tháng 4 vừa qua đã hạ dự báo tăng trưởng trong cả năm 2019 của Kenya, nền kinh tế được coi là năng động nhất khu vực, từ 5,8% xuống còn 5,7% với lý do tác động nghiêm trọng của hạn hán.