Căng thẳng Iran - Israel: Động cơ và hậu họa

Căng thẳng giữa Iran và Israel (Ixraen) đang gia tăng đáng kể trong những tuần gần đây. Mới nhất là tuyên bố của Chuẩn tướng Amir Ali Hajizadeh - Tư lệnh lực lượng tên lửa thuộc Vệ binh Cách mạng Iran - ngày 23/9 rằng Iran có thể tiến hành cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào Israel nếu biết chắc rằng Ten Avíp đang chuẩn bị tấn công Têhêran. Ông Amir cảnh báo bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào lãnh thổ Iran sẽ châm ngòi cho một cuộc "Chiến tranhThế giới thứ ba".


Israel thời gian qua liên tục bóng gió nói về khả năng tấn công các cơ sở hạt nhân ngầm của Iran. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đồng thời chỉ trích lập trường của Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng cần có thêm thời gian để các biện pháp trừng phạt và có thể ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân bằng giải pháp ngoại giao.

Xung đột Iran - Israel sẽ châm ngòi cho "Chiến tranh Thế giới thứ ba"? Ảnh: Internet


Trong khi đó, các hãng thông tấn ISNA và Fars của Iran dẫn lời Tướng Mohammad Ali Jafari - Chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran - ngày 22/9 nói rằng cuộc chiến tranh giữa Iran và Israel "sớm muộn gì cũng sẽ xảy ra, song chưa rõ là sẽ xảy ra ở đâu và khi nào". Đây là lần đầu tiên một quan chức cấp cao của Iran thừa nhận khả năng chiến tranh bùng nổ giữa hai nước.


Israel luôn cho rằng chương trình hạt nhân của Iran là nhằm phát triển các loại vũ khí nguyên tử, vốn đe dọa tới sự tồn vong cũng như tới vị thế cường quốc duy nhất ở Trung Đông có sở hữu vũ khí hạt nhân của Israel. Về phía Iran, nước này khẳng định chương trình hạt nhân của họ chỉ nhằm mục đích hòa bình và dân sự.

Động cơ của Israel


"Mạng tin Trung Đông" nhận định, việc Israel để lộ ý định tấn công Iran chủ yếu nhằm buộc phương Tây tăng cường các lệnh trừng phạt chống Têhêran. Thủ tướng Netanyahu đang không ngừng gây sức ép buộc Tổng thống Obama ấn định cho Iran một "giới hạn đỏ" trước khi quyết định tiến hành một cuộc tấn công quân sự vào quốc gia Hồi giáo này.


Biểu tình phản đối tấn công quân sự Iran tại thủ đô Ten Avíp, Israel. Ảnh: Internet


Theo giới phân tích, bất đồng giữa Israel và Mỹ không phải đến từ thực tế mối đe dọa hạt nhân Iran, mà là thời điểm để ngăn ngừa mối đe dọa này. Mỹ không muốn hành động trước khi Iran đạt ngưỡng chế tạo một trái bom hạt nhân. Do đó, bằng cách gây sức ép, Thủ tướng Netanyahu muốn đạt được một lời hứa hẹn cam kết quân sự từ Mỹ. Nhiều ý kiến cho rằng đó là một cuộc chiến mà Israel khuấy động để buộc người Mỹ và Israel hành động. Thủ tướng Netanyahu sẽ không hành động liều lĩnh nếu muốn các nước phương Tây thông qua các lệnh trừng phạt nghiêm khắc hơn chống Têhêran. Các biện pháp đó sẽ làm nền kinh tế Iran sụp đổ và có thể cả chế độ của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad.


Israel đang dần đạt được mục đích thực sự khi đe dọa tấn công Iran. Anh, Pháp và Đức ngày 24/9 đã chính thức kêu gọi EU áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran do chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này. Một quan chức ngoại giao phương Tây giấu tên nói rằng, mặc dù vẫn còn thời gian cho các giải pháp chính trị và ngoại giao mà phương Tây đang hướng tới, song việc tăng cường các biện pháp trừng phạt Iran là cần thiết bởi phương Tây không chấp nhận việc Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. EU đã quyết định ngừng nhập khẩu dầu mỏ từ Iran hồi tháng 7 vừa qua nhằm gây sức ép buộc Têhêran phải từ bỏ chương trình hạt nhân. Hiện Mỹ cũng đang gia tăng áp lực ngoại giao để cô lập kinh tế Iran.


Bằng cách thường xuyên gióng lên "hồi trống chiến tranh", Thủ tướng Netanyahu đã thành công trong việc khiến các đồng minh phương Tây tăng cường hơn nữa các lệnh trừng phạt đối với Iran. Tuy nhiên, ông Netanyahu vẫn chưa thể thuyết phục được phương Tây rằng cần có các hành động quân sự đối với Iran, và thậm chí ông còn không thể giành được sự ủng hộ của các nước phương Tây đối với sáng kiến tự hành động của Israel. Chuyên gia Gidi Grinstein thuộc Viện Reut (Israel) cho rằng: "Tâm trạng thất vọng của Israel xuất phát từ quan điểm cho rằng các lệnh trừng phạt và các vòng đàm phán không đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, hành động thiếu tính pháp lý và công khai thách thức Mỹ của Israel là vô cùng mạo hiểm".


Nguy cơ từ cuộc chiến Israel- Iran


Giới phân tích cảnh báo, nếu cuộc chiến tranh giữa Israel và Iran xảy ra thì nền kinh tế toàn cầu sẽ bị đẩy vào giai đoạn khốc liệt hơn bao giờ hết. Giá dầu sẽ tăng đến cực điểm và những tác động chính trị khó lường sẽ xảy ra ở khắp Trung Đông.


Mạng tin economywatch.com ngày 12/9 dẫn lời Giáo sư James Hamilton (chuyên gia kinh tế năng lượng tại Đại học California, Mỹ) nhận định: Tất cả các cuộc xung đột tại Trung Đông trước đây đều gây ra những thay đổi nghiêm trọng đối với giá dầu. Ở thời điểm hiện tại, nếu một cuộc chiến tranh giữa Israel - Iran xảy ra, nền kinh tế thế giới sẽ phải gánh chịu những hậu quả thảm khốc lớn hơn nhiều lần so với bất kỳ cuộc xung đột nào, bởi tầm quan trọng chiến lược đối với nền kinh tế thế giới của eo biển Hormuz ngoài khơi bờ biển phía nam của Iran.


Hiện có khoảng 14 tàu chở dầu, với 17 triệu thùng dầu thô được chuyên chở qua eo biển Hormuz mỗi ngày, chiếm 35% lượng dầu được vận chuyển bằng đường biển và 20% các giao dịch trên toàn thế giới. "Iran tuyên bố rằng nếu Israel phát động các cuộc tấn công, họ sẽ phong tỏa eo biển Hormuz và toàn bộ vùng Vịnh Persique. Đây có thể chỉ là một lời hăm dọa, nhưng lời hăm dọa này thực tế rất đáng sợ và nguy hiểm" - Giáo sư Hamilton nói.


Tiến sĩ Kristian Coates Ulrichsen, Giám đốc Chương trình Côoét tại trường Kinh tế Luân Đôn, cho biết: "Các sự kiện trong quá khứ cho thấy Iran không thể phong tỏa hoàn toàn eo biển Hormuz, nhưng họ sẽ gây nhiều khó khăn cho việc vận chuyển dầu qua eo biển này bằng cách tấn công các tàu chở dầu. Và khả năng dầu tiếp tục tăng giá là khó tránh khỏi". Theo ông, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu đang leo thang, việc tăng giá dầu đột biến sẽ khiến tình hình trở nên nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, ông tin rằng Israel vẫn đang chủ ý duy trì chính sách "bên miệng hố chiến tranh" và một cuộc tấn công sớm hơn sẽ khó xảy ra.


Theo ước tính của nhóm nghiên cứu BDI-Coface (Israel), một cuộc xung đột với Iran có thể sẽ khiến nền kinh tế Israel chịu thiệt hại nặng nề, khi chi phí cho cuộc chiến có thể lên tới 41,6 tỷ euro, tương đương với gần 20% GDP của nước này.


"Không ai trong chúng ta có thể hình dung được điều gì sẽ xảy ra trong cuộc chơi. Nhưng có điều chắc chắn rằng một cuộc xung đột xảy ra sẽ chẳng mang lại lợi ích gì" - Tiến sĩ Ulrichsen nhận định.


Hồng Hạnh(Tổng hợp)

Iran lần đầu thừa nhận khả năng chiến tranh với Israel

Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC), Tướng Mohammad Ali Jafari tuyên bố một cuộc chiến của Israel nhằm vào Iran “rốt cuộc sẽ xảy ra”, nhưng sẽ khiến nhà nước Do Thái bị hủy diệt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN