Trước đó, giới quan sát đã dấy lên hy vọng rằng các nỗ lực trục vớt có thể thành công trong đợt triều cường hôm 28/3 và chấm dứt tình trạng tắc nghẽn giao thông hàng hải, vốn đang gây thiệt hại hàng tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, Leth Agencies, bên chuyên cung cấp dịch vụ cho các khách hàng sử dụng kênh đào Suez, cho biết trên Twitter vào cuối ngày 28/3 rằng Cơ quan quản lý kênh đào Suez (SCA) đã hoãn kế hoạch này cho đến khi có đủ lực kéo. Leth Agencies cho biết thêm nỗ lực giải cứu tiếp theo có thể diễn ra vào tối 29/3 (theo giờ địa phương).
Ông Richard Meade, một cây bút thuộc công ty tin tức và dữ liệu hàng hải Lloyd's List, cho hay những nguồn thân cận với hoạt động trục vớt bày tỏ sự lạc quan rằng con tàu có thể di chuyển trong vòng 24 - 48 giờ tới.
Giám đốc SCA Osama Rabie nói với một kênh tin tức Ai Cập rằng con tàu đã lần đầu tiên dịch chuyển được một chút vào cuối ngày 27/3. Ông đánh giá đó là một dấu hiệu tốt, đồng thời cho hay 14 tàu lai dắt đã được triển khai xung quanh tàu bị nạn và các đội cứu hộ đã làm việc suốt ngày đêm.
Theo phát ngôn viên của SCA, cho tới hiện tại các đội cứu hộ đã dọn 27.000 m3 cát ở độ sâu 18 mét xung quanh thân tàu và đang tiếp tục các nỗ lực giải cứu. Tuy nhiên, ông Ihab Talaat el-Bannane, một cựu đô đốc Ai Cập, cảnh báo rằng vụ tai nạn xảy ra ở phần có nền đất khá gập ghềnh và khó đào.
Theo một nghiên cứu của công ty bảo hiểm Đức Allianz, cứ mỗi ngày Kênh đào Suez bị tắc nghẽn, thương mại thế giới bị thiệt hại từ 6 - 19 tỷ USD, tương đương 0,2 - 0,4 điểm phần trăm trong tăng trưởng hàng năm cho mỗi tuần. Trong khi đó, Ai Cập đang mất khoảng 12 - 14 triệu USD doanh thu từ kênh đào mỗi ngày, còn Lloyd's List cho biết tình trạng tắc nghẽn đang giữ lại lượng hàng hóa ước tính trị giá 9,6 tỷ USD mỗi ngày giữa châu Á và châu Âu.
Tính tới ngày 28/3, số lượng tàu bị ùn ứ và đang chờ để đi qua Kênh đào Suez đã lên tới 369 chiếc, trong đó có 25 tàu chở dầu. Hiện SCA đang xem xét giảm giá cho các tàu bị ảnh hưởng bởi sự cố tắc nghẽn do tàu Ever Given gây ra kể từ hôm 23/3 vừa qua.
Giữa bối cảnh tình hình tắc nghẽn chưa được giải quyết, các hãng vận tải biển lớn hiện chuyển hướng các tàu đi vòng qua Mũi Hảo vọng để tránh tắc nghẽn ở khu vực Kênh đào Suez. Llyoyd's List, Maersk và cMA-CGM đã điều chỉnh lộ trình di chuyển một số tàu của họ qua mũi Hảo vọng.