Cần nhìn nhận đúng về tình hình Mỹ Latinh

Có thể nói, cách đây 17 năm cả thế giới đổ dồn sự chú ý vào cuộc "cách mạng Bolivar" do Trung tá Hugo Chavez lãnh đạo đã giành được thắng lợi vang dội trong cuộc bầu cử Tổng thống ngày 6/12/1998 tại Venezuela, chấm dứt nhiều năm đất nước nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền cánh hữu thân Mỹ và Phương Tây.

Dưới ánh sáng tư tưởng của nhà ái quốc vĩ đại Simon Bolivar, ông Hugo Chavez và các đồng chí của mình đã đưa ra một đường lối cách mạng tiến bộ, thực hiện nhiều cải cách dân chủ, tiến hành quốc hữu hóa nhiều nhà máy, hầm mỏ và giếng dầu lửa, nguồn thu tài chính tối quan trọng của các tên trùm tư bản tại quốc gia Mỹ Latinh này, tích cực chăm lo cải thiện đời sống nhân dân lao động nghèo, đặc biệt là trong các lĩnh vực giáo dục, y tế và các dịch vụ cơ bản... Ông còn trịnh trọng tuyên bố với toàn thế giới rằng Venezuela sẽ tiến hành xây dựng "chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI"...

Phe đối lập ở Venezuela ăn mừng chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 6/12 vừa qua.

Tiếp theo thắng lợi của Hugo Chavez ở Venezuela, các ông Nestor Kirchner ở Argentina, Lúis Inacio Lula da Silva tại Brazil, Evo Morales ở Bolivia, Rafael Correa tại Ecuador, Daniel Ortega ở Nicaragua, đều lần lượt lên nắm quyền thông qua con đường bầu cử dân chủ... Tùy theo tình hình cụ thể ở mỗi nơi, có nước thì thực hiện mô hình "phát triển mới" theo hướng trung tả như Argentina và Brazil... còn phần đông thì đi theo con đường cánh tả, dân túy với những đường lối tương tự như Venezuela, tạo thành một sự biến đổi cách mạng và tiến bộ làm cho cả thế giới phải quan tâm theo dõi và nể trọng. Tuy nhiên, ở Mỹ Latinh vẫn còn có những ngoại lệ chịu ảnh hưởng chi phối của giới tư sản đi theo chủ trương "kinh tế tự do mới" của M. Thatcher, nguyên Thủ tướng của Anh và R. Reagan, cố Tổng thống Mỹ như Colombia và Mexico.

Cùng trong thời gian đó, siêu cường tư bản hàng đầu thế giới là Mỹ lại gặp nhiều khó khăn: Mỹ đang bị sa lầy sâu vào cuộc chiến ở Afganistan sau vụ khủng bố kinh hoàng bằng máy bay nhằm vào tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York ngày 11/9/2001. Sau đó 2 năm, chính quyền Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ, George W. Bush (con) lại vướng vào một cuộc chiến tốn kém và kéo dài khác tại Iraq nhằm lật đổ chính chính quyền do Saddam Hussein đứng đầu, với cái cớ nước này bao che và nuôi dưỡng cho lực lượng khủng bố Al Queda, cũng như sản xuất và sử dụng vũ khí hóa học, thậm chí còn đang âm mưu sản xuất cả vũ khí hạt nhân... 

Sau này, kết quả các cuộc điều tra của nhiều nhà khoa học và các nước khách quan khác thì những vu cáo ấy chỉ là cái cớ do Nhà trắng, CIA và Lầu Năm góc của Mỹ dựng lên để đưa quân vào Iraq. Và cũng chính cuộc xâm lược này cùng với sự sa lầy ở Afganistan đã khiến cho Mỹ phải bỏ trống nhiều “trận địa” khác và không có đủ điều kiện để nhòm ngó và quản lý chặt chẽ ngay đến cả cái mà họ vẫn gọi là “sân sau” của mình là khu vực Mỹ Latinh. Trong khi đó, một số nước mới nổi, trong đó có Nga và đặc biệt là Trung Quốc vừa ngấm ngầm, vừa ráo riết đổ nhiều tiền của ra để đầu tư và đưa hàng hóa sang chiếm lĩnh nhiều thị trường ở Mỹ Latinh, để vừa khai thác nguồn dầu lửa và tài nguyên giàu có của vùng đất này, vừa tìm cách len lỏi và cắm chốt lâu dài ngay sát nách và tại sân sau của Mỹ.

Nhưng tình hình không phải chỉ diễn biến theo một chiều như vậy. Sau khi lên cầm quyền ở Nhà trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama và các nhà chiến lược của ông ta đã tìm cách thoát ra khỏi vũng lầy Afganistan từ cuối năm 2013 và tìm cách bàn giao lại “mớ bòng bong” Iraq cho chính quyền do Mỹ dựng lên ở đó để lo đối phó với cuộc "thánh chiến" của lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Nước Mỹ muốn tập trung xử lý những vấn đề nội bộ, vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài suốt từ các năm 2007 - 2008 đến tận gần đây; cũng như xoay trục sang châu Á - Thái Bình dương để kịp thời đối phó và ngăn chặn "sự trỗi dậy" của Trung Quốc, đồng thời lo tháo gỡ những mối hiểm họa đang ngày một lớn ở Mỹ Latinh. 

Bước sang năm 2015, đặc biệt là những tháng gần đây, tình hình Mỹ Latinh cũng có nhiều thay đổi theo hướng tiêu cực hơn, đẩy nhiều nước cánh tả vào chân tường và tạo điều kiện cho nhiều lực lượng hữu, trung hữu và cả cực hữu nổi lên giành chính quyền ở một số nước. Điều đáng kể là trong cuộc bầu cử Tổng thống ngày 21/11 vừa qua ở Argentina, phái bảo thủ trung hữu do Mauricio Macri là đại diện đã giành được thắng lợi trong vòng hai, đánh bại ứng cử viên cánh tả Daniel Scioli được Tổng thống mãn nhiệm là bà Cristina Fernandez Kirchner ủng hộ. Lý do quan trọng khiến cho cử tri Argentina dồn phiếu cho ứng cử viên Macri vì trong những năm gần đây các kế hoạch cải cách xã hội theo hướng tiến bộ của cánh tả trước đấy không được thực hiện một cách triệt để, đa số người dân lao động và nghèo khổ lại rơi vào cảnh bần cùng và thất nghiệp, kinh tế đất nước bị sa sút, lạm phát lên tới 30%; tăng trưởng GDP luôn ở mức thấp. Trong khi đó ông Macri, nguyên thị trưởng thành phố Buenos Aires mới có 56 tuổi, có nhiều kinh nghiệm về kinh tế, chính trị, đối ngoại lại luôn hứa hẹn sẽ tập trung sức lực để vực dậy nền kinh tế đứng thứ hai này ở Nam Mỹ và cải thiện đời sống của 41 triệu dân trong nước.

Còn tại Venezuela, trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 6/12/2015 Đảng xã hội chủ nghĩa thống nhất (PSUV) cầm quyền của ông Nicolas Maduro chỉ giành được chưa tới 1/3 số ghế, trong khi liên minh Bàn Đoàn kết Dân chủ (MUD) đối lập đã giành được 2/3 tổng số ghế của Quốc hội. Thất bại mà chính Tổng thống Nicolas Maduro phải thừa nhận này có nhiều nguyên nhân: Trước hết Venezuela mấy năm qua đã mất đi “ngọn cờ đầu” Hugo Chavez có nhiều tài ba, uy tín, kinh nghiệm và nhiệt huyết cách mạng.

Thứ hai là các chương trình cải cách và phúc lợi mà chính quyền của Đảng PSUV thực hiện trong 17 năm qua nay đang gặp nhiều khó khăn không thể thực hiện được. Thứ ba là vì cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới nói chung và của Venezuela nói riêng kéo dài từ năm 2008 đến gần đây đang ngày càng nghiêm trọng, trong khi giá dầu lửa (nguồn tài chính chủ chốt của Venezula) ngày một lao dốc từ trên 100 USD/thùng xuống còn trên 30 USD/thùng. Kim ngạch xuất khẩu dầu lửa của Venezuela từ đầu năm đến nay chỉ đạt hơn 42 tỷ USD so với gần 75 tỉ USD năm 2014. Hiện nay dự trữ ngoại tệ của nước này chỉ còn chưa đến 20 tỉ USD. Trong khi đó, lạm phát lên tới 80%, hàng hoá tiêu dùng và các nhu yếu phẩm chủ yếu đều khan hiếm; các chương trình an sinh xã hội về giáo dục, y tế, đời sống bị giảm sút nghiêm trọng. Thứ tư là tình hình chính trị có nhiều bất ổn: nội bộ cánh tả bị chia rẽ và thiếu thống nhất; các thế lực bên ngoài can thiệp và kích động các cuộc nổi dậy chống phá; an ninh xã hội bị đe dọa nghiêm trọng; uy tín của Tổng thống, chính phủ và Đảng PSUV bị giảm sút mạnh.

Tại Brazil, cho dù nữ Tổng thống Dilma Rousseff đã lãnh đạo đất nước vượt qua nhiều khó khăn và giúp cho hàng triệu người dân thoát khỏi đói nghèo những năm vừa qua nhưng hiện nay bà cũng phải vật lộn với tình hình kinh tế khó khăn và suy thoái. Bà bị tai tiếng và mất uy tín vì những lời cáo buộc bản thân, gia đình và nhiều cộng sự của bà dính vào các cuộc tham nhũng của Tập đoàn dầu lửa Petrobras trong nhiều tháng nay. Thâm hụt tài chính của nước có nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ này là 6% GDP và có thể lên tới 8% vào cuối năm nay; tỷ lệ người thất nghiệp tăng, thu nhập của người dân bị giảm sút nặng, lạm phát không kiểm soát được...

Ngoài ra, một số nước Mỹ La tinh khác cũng gặp nhiều khó khăn tương tự. Từ thực tế đó, nhiều người có cảm giác là phong trào cách mạng nói chung và xu hướng thiên tả nói riêng ở Mỹ Latinh đang thất bại (?!). Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích vẫn cho rằng các phong trào tự do dân chủ, mưu cầu tiến bộ, đòi hỏi hội nhập với quốc tế vẫn tiếp tục tồn tại ở nhiều nước của khu vực này. Nhà nước cách mạng Cuba vẫn còn đó bất chấp 55 năm bao vây cấm vận của Mỹ; những người đi theo tư tưởng của Simon Bolivar và Hugo Chavez vẫn đứng vững ở Venezuela, chưa ai có thể đánh đổ được họ và thủ lĩnh Nicolas Maduro; chưa kẻ nào có thể loại bỏ được bà Dilma Rousseff. Đúng như lời Chủ tịch Cuba Raul Castro đã nói: "Tôi tin rằng những thắng lợi mới của cách mạng Bolivar sẽ đến. Chúng tôi luôn ở bên các bạn". Vì vậy, mọi người cần có một cái nhìn đúng đắn và bình tĩnh về tình hình hiện nay ở Mỹ Latinh để có một sự cổ vũ và ủng hộ thiết thực cho các nước này vượt qua những khó khăn trước mắt hiện nay.
Hồ Đức Minh
Các nền kinh tế Mỹ Latinh trước quyết định tăng lãi suất của FED
Các nền kinh tế Mỹ Latinh trước quyết định tăng lãi suất của FED

Ngay sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) hồi tháng 12 vừa qua điều chỉnh lãi suất, hàng loạt nước Mỹ Latinh đã có biện pháp kịp thời nhằm hạn chế những tác động tiêu cực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN