Mỹ Latinh “ưu ái” giới siêu giàu

Những "đại gia" này mua tới 10 siêu xe Porsche/ngày và du lịch vòng quanh thế giới bằng máy bay riêng, sử dụng túi xách hàng hiệu Louis Vuitton và phảng phất mùi nước hoa Chanel trứ danh. Họ là ai? Họ là giới siêu giàu của Mỹ Latinh và nhóm này đang phát triển nhanh nhất thế giới. Họ là mục tiêu săn đón của các hãng thời trang hàng đầu thế giới, song cũng là đối tượng chịu sự chỉ trích vì chỉ phải trả mức thuế quá thấp ở một khu vực vẫn còn chìm đắm trong tình trạng bất bình đẳng xã hội.


Theo công ty tư vấn xa xỉ phẩm Wealth-X, Mỹ Latinh, khu vực với hơn 600 triệu dân, có khoảng 15.000 siêu đại gia (những người có tài sản ít nhất 30 triệu USD). Con số này tăng 5% so với năm 2014. Số tỉ phú ở Mỹ Latinh tăng 38% lên 151 người, mức tăng nhanh nhất thế giới.

Nhóm siêu giàu của Mỹ Latinh đang phát triển nhanh nhất thế giới.



Công ty quản lý tài sản Natixis Global Asset Management gần đây đã mở những văn phòng đầu tiên tại Mỹ Latinh, cụ thể ở thành phố Mexico và Montevideo. Người đứng đầu chi nhánh của hãng ở khu vực bán đảo Iberia tại Madrid, Sophie del Campo nhận định, tài sản của các cá nhân tại Mỹ Latinh đang trong giai đoạn tăng trưởng đặc biệt.

Lối sống phóng khoáng và sự tăng trưởng nhanh chóng của giới thượng lưu thu hút sự quan tâm của ngành công nghiệp xa xỉ phẩm toàn cầu, đang muốn mở rộng thị trường và thu hút khách hàng. Giám đốc chi nhánh tại Nam Mỹ của nhà sản xuất ô tô thể thao Porche, George Wills cho biết, doanh số hàng năm của hãng tăng từ 300 chiếc lên gần 3.900 chiếc, kể từ khi đặt chân tới Mỹ Latinh. Những nền kinh tế lớn nhất khu vực như Mexico và Brazil, vẫn là động lực tăng trưởng. Vẫn còn nhiều thị trường đạt nhịp độ tăng trưởng tốt như Peru, Colombia, Panama..., trong đó một vài nơi tăng trưởng với mức 60%.

Mỹ Latinh, khu vực với hơn 600 triệu dân, có khoảng 15.000 siêu đại gia (những người có tài sản ít nhất 30 triệu USD).

Hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor dự báo thị trường các mặt hàng xa xỉ tại Mỹ Latinh sẽ đạt tổng giá trị 26,5 tỷ USD vào năm 2019, tăng 88% so với năm 2014, mức tăng mạnh nhất thế giới. Theo nhà sản xuất máy bay Embraer (Brazil), Mexico là thị trường lớn thứ hai thế giới về tiêu thụ máy bay tư nhân.

Trong số những siêu đại gia, có thể kể đến ông trùm viễn thông Carlos Slim đứng vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng những người giàu nhất thế giới của tạp chí Forbes với tổng giá trị tài sản lên đến 77 tỷ USD, “vua” bia người Brazil, Jorge Paulo Lemann, với tổng tài sản là 25 tỷ USD, nhà khai thác mỏ xuất thân quyền quý từ Chile, Iris Fontbona, sở hữu 13,5 tỷ USD, và Luis Carloss Sarmien, với cương vị giám đốc ngân hàng đến từ Colombia, nắm giữ khối tài sản 13,4 tỷ USD. Giám đốc Wealth-X tại Singapore, Mykolas Rambus cho hay số lượng tỷ phú tăng lên nhanh chóng, một phần do họ thừa kế tài sản từ những gia đình giàu có.

Mặc dù vậy, các siêu đại gia phải đối mặt với sự giám sát tại những quốc gia như Nicaragua, nơi có 42,5% dân số đang sống trong cảnh nghèo khó, trong khi 210 cá nhân siêu giàu kiểm soát tài sản có giá trị tương đương với 2,5 lần sản lượng kinh tế hàng năm của nước này. Theo chuyên gia kinh tế tại Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh thuộc Liên hợp quốc Juan Pablo Jimenez, thuế đánh vào tài sản ở khu vực này còn quá thấp, và thuế đánh vào tài sản thừa kế gần như không tồn tại. Năm 2014, tổ chức nhân đạo Oxfam lên tiếng kêu gọi “công lý tài chính” trong khu vực với mục đích thu hẹp khoảng cách giàu-nghèo tại Mỹ Latinh. Sau những lời phản đối gay gắt, Tổng thống Ecuador Rafael Correa đang có kế hoạch đánh thuế đối với tài sản thừa kế trên 35.400 USD.
TM - Phương Anh (Theo AFP)
Anh - Điểm đến ưa thích nhất của giới siêu giàu
Anh - Điểm đến ưa thích nhất của giới siêu giàu

Xếp trên cả Mỹ, Singapore, Australia và Hong Kong (Trung Quốc), Vương quốc Anh đang là "điểm đến số một" của những người siêu giàu trên thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN