SDG đã được các quốc gia thành viên của Liên hợp quốc (LHQ) thông qua hồi năm 2015, theo đó kêu gọi chấm dứt nghèo đói trên toàn cầu, bảo vệ hành tinh và đảm bảo tất cả mọi người trên thế giới được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị trực tuyến các nhà lãnh đạo về Chương trình nghị sự tài chính năm 2030 vì phát triển bền vững thời kỳ COVID-19 và hậu COVID-19, Thủ tướng Hun Sen nhận định việc lùi thời hạn hoàn thành SDG có nhiều lý do, trong đó có việc mỗi nước thành viên của LHQ giảm nỗ lực thực hiện vì phải chuyển hướng chính sách ưu tiên và dành nguồn lực để đối phó với dịch COVID-19 và việc gia tăng chủ nghĩa bảo hộ của một số cường quốc.
Thủ tướng Campuchia cũng nhấn mạnh một số công việc cần ưu tiên liên quan đến tài chính. Điều này có ý nghĩa quan trọng giúp các nước đang phát triển nỗ lực hoàn thành Chương trình nghị sự tài chính năm 2030, theo đó những nước này cần các sáng kiến thúc đẩy đầu tư tư nhân và nguồn vốn từ bên ngoài, đặc biệt là tăng cường vốn đầu tư trực tiếp và cơ chế đối tác công - tư.
Trong một diễn biến liên quan, tại cuộc họp của Hội đồng Bảo trợ xã hội quốc gia Campuchia do Bộ trưởng Tài chính Aun Porn Moniroth chủ trì đầu tuần này, Chính phủ Campuchia đã thông báo về vòng thứ 6 thực hiện các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời chuẩn bị cho thời kỳ hậu COVID-19. Theo Chính phủ Campuchia, các biện pháp này sẽ đảm bảo cho các gia đình nghèo và có cuộc sống bấp bênh tiếp tục nhận trợ cấp xã hội trong thời điểm khó khăn hiện nay khi chưa thể dự đoán được thời điểm chấm dứt dịch bệnh.
Theo những biện pháp trên, đối với ngành may mặc, du lịch, khách sạn, nhà hàng chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19, Chính phủ Campuchia tiếp tục hỗ trợ 40 USD/tháng cho công nhân nhà máy và lao động làm việc trong ngành du lịch và dịch vụ du lịch bị mất việc hoặc tạm thời phải nghỉ việc. Chương trình hỗ trợ này sẽ kéo dài thêm 3 tháng cho đến cuối tháng 12/2020.