Campuchia đàm phán mua 100.000 liều vaccine AstraZeneca của Ấn Độ

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, Campuchia đang xúc tiến đàm phán với Ấn Độ để đặt mua 100.000 liều vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca do Viện Huyết thanh miễn dịch Ấn Độ (SII) sản xuất.

Chú thích ảnh
 Vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca. Ảnh: PAP/TTXVN

Đại sứ Ấn Độ tại Campuchia Devyani Uttam Khobragade xác nhận Chính phủ Ấn Độ đồng ý cho SII cung cấp vaccine cho Campuchia dù nguồn cung vaccine của Ấn Độ hiện còn hạn chế vì nước này cũng đang thực hiện chiến dịch tiêm phòng COVID-19 cho toàn dân. Theo Đại sứ Ấn Độ, hiện hai bên đang trong giai đoạn đầu thương thảo và chưa thể xác định thời điểm bàn giao cụ thể.  

Đầu tuần này, vaccine AstraZeneca/Oxford đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa vào danh sách được sử dụng khẩn cấp (EUL).

Ấn Độ hiện là nhà sản xuất vaccine phòng COVID-19 hàng đầu thế giới và theo dự đoán của PS Easwaran - một đối tác của Công ty tư vấn Deloitte India, Ấn Độ có thể sản xuất hơn 3,5 tỷ liều vaccine phòng COVID-19 năm 2021, chỉ sau Mỹ (khoảng 4 tỷ liều). Kể từ ngày 20/1, Ấn Độ đã cung cấp vaccine phòng COVID-19 cho một số nước như Bhuta, Bahrain, Nepal, Bangladesh và Myanmar.

* Trong khi đó, một cuộc khảo sát do nhóm các trường đại học tại Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) thực hiện hồi tháng 1 vừa qua cho thấy khoảng 39,4% số người được hỏi muốn được tiêm ngay loại vaccine mà chính quyền phê duyệt.

Cụ thể, khảo sát tiến hành với 2.733 người chỉ ra trong số những người sẵn sàng tiêm phòng ngay lập tức thì số người mắc các bệnh mãn tính cao hơn số người không mắc bệnh. Tuy nhiên, cũng có tới 40% số người được hỏi trả lời rằng họ muốn nằm trong nhóm 10% dân số được tiêm chủng cuối cùng, chủ yếu do chưa thực sự tin tưởng vào vaccine. 

Kết quả khảo sát cho thấy hiệu quả của vaccine là điều được quan tâm nhất, sau đó là nguy cơ xảy ra các phản ứng phụ nghiêm trọng. Ngoài ra, các biện pháp như tiêm miễn phí và có bảo hiểm y tế có thể khuyến khích người dân đi tiêm chủng. Tuy nhiên, khảo sát cũng lưu ý chính quyền về việc cung cấp thêm các khuyến khích tài chính vì có thể làm nảy sinh tâm lý nghi ngờ,  khiến người dân do dự khi quyết định đi tiêm chủng.

Giáo sư Ngô Triệu Văn - Khoa Công tác xã hội và Quản lý xã hội thuộc Đại học Hong Kong - cho rằng chính quyền Hong Kong cần công bố thêm thông tin vaccine, bên cạnh những thông tin về hiệu quả tổng thể thì cũng phải cung cấp những thông tin về khả năng bảo vệ các trường hợp bệnh nhẹ và nặng, cũng như các tác dụng phụ của vaccine để giảm bớt lo ngại.

Chính quyền Hong Kong đã lên kế hoạch triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 từ ngày 26/2 tới.

Trang Nhung - Lê Anh (TTXVN)
Đức đặt mua vaccine cho năm 2022
Đức đặt mua vaccine cho năm 2022

Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Jens Spahn ngày 30/1 thông báo nước này đang đặt mua vaccine cho năm 2022 phòng trường hợp cần sử dụng để người dân có thể hoàn toàn miễn dịch với các biến thể của virus gây đại dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN