Trong một tuyên bố trong video đăng trên tài khoản Facebook cá nhân, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto nêu rõ: "Hungary đã hoàn tất một thỏa thuận với Nga mua một số lượng lớn vaccine Sputnik V theo 3 giai đoạn. Hợp đồng đã được đàm phán và ký ngay trong đêm".
Ông cho biết chi tiết của thỏa thuận sẽ được công bố trong ngày.
Trước đó, ngày 21/1, Hungary là nước đầu tiên trong EU phê chuẩn sử dụng vaccine Sputnik V và vaccine phòng COVID-19 do hãng dược AstraZeneca và Đại học Oxford (Anh) phối hợp sản xuất.
Theo quy định của EMA, cơ quan quản lý thuốc của một quốc gia trong EU có thể cấp phép sử dụng tạm thời cho một vaccine trong tình huống khẩn cấp. Hiện EMA đang đánh giá hiệu quả của vaccine phòng COVID-19 do AstraZeneca/ Oxford sản xuất và có thể đưa ra quyết định phê chuẩn đối với vaccine này trước cuối tuần tới. EMA chưa xem xét vaccine Sputnik V của Nga.
Cùng ngày, người phát ngôn của chính phủ Ba Lan Piotr Muller cho biết nước này có thể kiện hãng dược Pfizer của Mỹ vào tháng tới nếu hãng không phân phối hết số lượng vaccine phòng COVID-19 cho nước này như kế hoạch.
Phát biểu trên Đài phát thanh công cộng Polskie Radio Program 1, ông Muller nêu rõ: "Tôi cho rằng một quyết định như vậy (kiện hãng Pfizer) có thể được thực hiện vào tháng tới nếu các nguồn cung này không được hoàn tất như cam kết của nhà sản xuất vaccine".
Trước đó, ngày 18/1, Ba Lan đã nhận 176.000 liều vaccine của hãng Pfizer và đối tác BioNTech (Đức) hợp tác sản xuất, ít hơn khoảng 50% so với kế hoạch ban đầu. Tiếp đó, ngày 21/1, Bộ trưởng Y tế Ba Lan Adam Niedzielski cho biết phần vaccine thiếu hụt sẽ được giao cho nước này từ giữa tháng 2.
Hãng Pfizer đã giảm số lượng vaccine sẽ phân phối cho EU trong tuần này. Việc cắt giảm số lượng vaccine được Pfizer và BioNTech thông báo vào tuần trước mà không đưa thêm bình luận nào.
Italy cũng đang cân nhắc kiện hãng Pfizer với lý do việc chậm trễ trong công tác phân phối vaccine phòng COVID-19 sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng tới chiến dịch tiêm chủng của nước này trong thời gian ngắn.
* Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, Nam Phi chuẩn bị tiếp nhận 1,5 triệu liều vaccines phòng COVID-19 từ AstraZeneca/ Oxford, với giá cao gấp 2,5 lần so với giá mà liên doanh dược phẩm này bán cho các nước thành viên EU.
Phó Vụ trưởng Vụ chăm sóc sức khỏe Bộ Y tế Nam Phi Anban Pillay ngày 22/1 cho biết AstraZeneca/Oxford báo giá 5,25 USD trên mỗi liều vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 bán cho Nam Phi, trong khi cũng cùng loại vaccine đó của AstraZeneca/Đại học Oxford, các quốc gia EU chỉ phải trả 2,16 USD cho mỗi liều. Tuy nhiên, trao đổi với báo giới, ông Anban Pillay không cung cấp thêm thông tin về lý do dẫn đến sự khác biệt về giá bán.
Theo kế hoạch, trong tháng 1 và tháng 2, Nam Phi sẽ tiếp nhận tổng cộng 1,5 triệu liều vaccine do Học viện Serum (SII) của Ấn Độ sản xuất theo đơn đặt hàng từ liên doanh AstraZeneca/ Oxford. Số vaccine này sẽ được ưu tiên tiêm phòng cho 1,25 triệu nhân viên y tế tại tất cả các bệnh viện và cơ sở y tế trên toàn quốc. Theo số liệu mới nhất, hiện hơn 40.000 nhân viên y tế tuyến đầu của nước này đã nhiễm virus SARS-CoV-2.
Nam Phi đặt mục tiêu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho ít nhất 40,3 triệu người, tương đương 2/3 dân số nước này trong năm 2021. Ngoài mua vaccine của Ấn Độ, Nam Phi cũng đã đặt cọc 21 triệu USD để mua vaccine từ COVAX – liên minh toàn cầu sản xuất vaccine ngừa COVID-19 cho các nước nghèo. Nước này cũng đang làm việc với các hãng dược phẩm hàng đầu thế giới như Pfizer, Moderna và Johnson&Johnson nhằm đẩy nhanh quá trình tiếp cận vaccine.
Hiện Nam Phi đang trong làn sóng dịch thứ hai với số ca mắc COVID-19 mới trong ngày cao vượt xa làn sóng dịch thứ nhất. Tính đến hết ngày 21/1, Nam Phi ghi nhận 1.380.807 ca mắc COVID-19, trong đó có 39.501 ca tử vong.