Phát biểu tại một sự kiện trực tuyến, Bộ trưởng Spahn cho biết, với khả năng sản xuất đang được mở rộng, Đức đang đặt mua thêm vaccine cho năm 2022 để phòng trường hợp cần dùng tới. Ông cũng kỳ vọng đại dịch phần lớn sẽ được khống chế trong năm nay thông qua việc tiêm chủng cũng như khả năng thích ứng của vaccine với các biến thể. Ông đánh giá cao thành tựu đạt được trong việc nghiên cứu và bào chế thành công vaccine chỉ trong một năm cũng như việc xây dựng toàn bộ dây chuyền sản xuất vaccine chỉ trong ít tháng.
Bộ trưởng Spahn nhấn mạnh mục tiêu của Chính phủ liên bang Đức là hoàn thành tiêm chủng cho tất cả mọi người thuộc nhóm nguy cơ cao nhất (trên 80 tuổi) vào cuối tháng 3/2021 và điều này cũng phụ thuộc vào nguồn cung từ hạn ngạch vaccine của châu Âu. Ông cũng cho biết các nhà sản xuất vaccine chủ chốt (Biontech, Moderna và AstraZeneca) đã cam kết chuyển giao cho Đức thêm 5 triệu liều cho tới cuối tháng 2/2021. Cho tới nay, Đức đã nhận được trên 3,5 triệu liều vaccine, trong đó khoảng 2,2 triệu liều đã được tiêm cho dân chúng.
Tuyên bố trên của ông Spahn được đưa ra trong bối cảnh chính phủ các nước châu Âu đối mặt với sự chỉ trích về việc khan hiếm nguồn cung vaccine khi các công ty như AstraZeneca, Pfizer và Moderna đều thông báo cắt giảm lượng vaccine bàn giao cho các nước châu Âu. Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đang đối mặt với đợt phong tỏa thứ hai kể từ tháng 11/2020, trong khi số người được tiêm chủng so với số dân (2,2%) thấp hơn nhiều nếu so sánh với tốc độ tiêm chủng ở Anh (12% dân số), Israel (34%) và Mỹ (gần 7%). Phát biểu ngày 30/1, Bộ trưởng Kinh tế liên bang Đức Peter Altmaier cảnh báo các nhà sản xuất vaccine có thể đối mặt với hậu quả pháp lý nếu không tuân thủ cam kết về số lượng vaccine bàn giao cho châu Âu.
Số liệu của các cơ quan y tế Đức thông báo tối 30/1 cho biết, trong 24 giờ qua, nước Đức ghi nhận có thêm trên 11.100 ca nhiễm mới và 598 ca tử vong. Hiện số người còn nhiễm bệnh là 228.500 người.