Cam kết về bao trùm và bền vững

Malaysia đã chọn chủ đề “Bao trùm và Bền vững” cho năm Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 2025, một năm đặc biệt khi ASEAN kỷ niệm 10 năm Cộng đồng ASEAN với 3 trụ cột.

Chú thích ảnh
Kéo cờ ASEAN. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Bên cạnh việc đánh giá 10 năm xây dựng Cộng đồng ASEAN để có thể hướng tới Tầm nhìn ASEAN 2045, các ưu tiên của Malaysia trong năm 2025 gồm chung tay xử lý các thách thức; thúc đẩy thịnh vượng chung, không bỏ lại ai phía sau; củng cố, liên kết nội khối, thúc đẩy hội nhập và kết nối các nền kinh tế ASEAN; tăng cường thương mại và đầu tư, mở rộng hợp tác kinh tế với các đối tác vì tăng trưởng bao trùm và bền vững; xây dựng ASEAN tự cường ở khía cạnh số... 

Đảm nhận vai trò trong bối cảnh thế giới nói chung và châu Á nói riêng đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức địa chính trị, các căng thẳng toàn cầu gia tăng - từ cạnh tranh chiến lược đến những vấn đề khí hậu, mục tiêu của Kuala Lumpur là thúc đẩy sự gắn kết thông qua việc tạo động lực cho tầm nhìn chung của ASEAN, giúp các quốc gia thành viên xích lại gần nhau hơn, củng cố sự tin cậy lẫn nhau. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi năm 2025, ASEAN chuẩn bị chào đón Timor-Leste trở thành thành viên chính thức thứ mười một. Bên cạnh đó, 2025 cũng là năm tạo sức sống mới cho Cộng đồng ASEAN khi các nhà lãnh đạo chính thức thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN đến năm 2045. 

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, Bộ trưởng Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia (MITI), Tengku Datuk Seri Utama Zafrul nhấn mạnh, ASEAN 2025 sẽ tập trung vào khả năng phục hồi, bao trùm và bền vững; thúc đẩy thương mại và đầu tư nội khối, cải thiện giáo dục, ưu tiên tính bền vững của môi trường và giảm chênh lệch xã hội trong khu vực và hơn thế nữa, cũng như đảm bảo các nhóm yếu thế trong xã hội được hưởng lợi từ các mục tiêu bao trùm. Điều này có nghĩa là theo đuổi một cách tiếp cận toàn diện trong việc phát triển nền kinh tế ASEAN và đảm bảo rằng các nhóm thiểu số được hưởng lợi đầy đủ từ các mục tiêu bao trùm. Nói cách khác, ASEAN đang định hướng vào phát triển bao trùm, một quan điểm về phát triển với thông điệp chủ đạo là đảm bảo bình đẳng về cơ hội phát triển cho tất cả mọi người, đặc biệt là nhóm người yếu thế, tạo cơ hội bình đẳng cho mọi người trong việc tham gia và thụ hưởng các thành quả của quá trình phát triển. 

Chú thích ảnh
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Để làm được điều này, chính phủ của Thủ tướng Anwar Ibrahim xác định lấy nền tảng thỏa thuận kinh tế số làm đòn bẩy và tạo ra ảnh hưởng cho nền kinh tế ASEAN. Thủ tướng Anwar Ibrahim, đồng thời cũng là Bộ trưởng Tài chính, khẳng định với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Malaysia đặt mục tiêu số hóa và ưu tiên lưới điện ASEAN như một phần trong nỗ lực hỗ trợ tăng trưởng thương mại nội khối. Ông nhấn mạnh cam kết của Malaysia tăng cường các nỗ lực số hóa để ASEAN trở thành một trung tâm kỹ thuật số chiến lược và cạnh tranh, qua đó thúc đẩy thương mại nội khối trong bối cảnh diễn biến địa chính trị phức tạp. Cụ thể là thông qua phát triển công nghệ, đẩy nhanh chuyển đổi số và tham gia kinh tế kỹ thuật số để tạo ra sự phát triển bao trùm trong ASEAN

Năm 2023, ASEAN là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới với  GDP đạt 844 tỷ USD và tổng dân số là 677 triệu người. Dự báo nền kinh tế số của hiệp hội sẽ tăng trưởng từ 300 tỷ USD lên 2.000 tỷ USD vào năm 2030. Để thúc đẩy mục tiêu này, các nước đang tập trung vào việc tăng cường sự thuận tiện của các giao dịch số thông qua Thỏa thuận khung Kinh tế số (DEFA). Dự báo trong thập niên tới, DEFA sẽ có tác động đáng kể đến bối cảnh kinh tế của ASEAN bằng cách tạo ra một thị trường kỹ thuật số gắn kết. Sáng kiến này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại xuyên biên giới, thúc đẩy đổi mới và có khả năng thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số giữa các quốc gia thành viên, tăng cường khả năng cạnh tranh trong khu vực.

Tuy nhiên, việc triển khai DEFA đặt ra những thách thức đáng kể do khác biệt về mức độ phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, quy định pháp lý và chênh lệch kinh tế giữa các nước ASEAN. Để giải quyết những vấn đề này sẽ đòi hỏi đầu tư đáng kể và cách tiếp cận cân bằng đối với tiến bộ công nghệ và hội nhập văn hóa, đảm bảo rằng tất cả các quốc gia thành viên đều được hưởng lợi công bằng từ nền kinh tế kỹ thuật số. Cùng với lợi ích rõ ràng cho thương mại giữa các quốc gia thành viên ASEAN, hiệu ứng lan tỏa sẽ rất lớn đối với toàn bộ khu vực. Khuôn khổ này cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng cho khu vực trong các ngành công nghiệp trong tương lai như trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh, Trung tâm dữ liệu và an ninh mạng.

Ngoài ra, Malaysia ưu tiên xây dựng Kế hoạch Chiến lược Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) cho giai đoạn 2026–2030, đảm bảo rằng kế hoạch này phù hợp với các mục tiêu tổng thể của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045. Theo bà Mastura Ahmad Mustafa, Phó Tổng Thư ký phụ trách Thương mại, Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, sẽ tiếp nối sau khi AEC 2025 kết thúc. Khác với các khuôn khổ trước, tầm nhìn lần này sẽ kéo dài 20 năm nhưng được triển khai qua các giai đoạn chiến lược 5 năm để thích nghi với tốc độ phát triển kinh tế và công nghệ nhanh chóng. 

Về vấn đề khu vực và quan hệ các nước lớn, nước Chủ tịch Malaysia chủ trương tăng cường hợp tác với đối tác lớn, trong đó có Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ trong các vấn đề an ninh quan trọng ảnh hưởng đến khu vực, như cuộc khủng hoảng tại Myanmar hay căng thẳng trên Biển Đông. Bên cạnh đó là mục tiêu khẳng định vị thế trung tâm của ASEAN trong một thế giới ngày càng chia rẽ và bối cảnh địa chính trị đang thay đổi. Khả năng tự cường và vai trò quan trọng của ASEAN trong thế giới đa cực này sẽ phụ thuộc vào khả năng thích ứng với thực tế mới, đồng thời vẫn trung thành với các nguyên tắc cơ bản về hợp tác, cởi mở, bao trùm, chung sống hòa bình, không can thiệp và tôn trọng luật pháp quốc tế.

Năm 2015, trong năm Malaysia đảm nhận cương vị chủ tịch ASEAN, lãnh đạo 10 nước thành viên đã ký Tuyên bố Kuala Lumpur về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, với chủ đề "ASEAN 2025: Cùng vững vàng tiến bước". Mục tiêu tổng quát của Cộng đồng ASEAN là xây dựng ASEAN trở thành một Cộng đồng gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế, có trách nhiệm về xã hội và hợp tác rộng mở với bên ngoài; hoạt động theo luật lệ và hướng tới người dân. Năm nay, vai trò chủ tịch ASEAN trở lại với Malaysia, và với cam kết “bao trùm và bền vững”, nước chủ tịch ASEAN 2025 muốn khẳng định lại tinh thần của Tuyên bố Kuala Lumpur về một cộng đồng đoàn kết, thống nhất, chia sẻ trách nhiệm chung và hướng đến con người.

Hằng Linh (TTXVN)
Đại sứ các nước ASEAN tại Cuba đánh giá cao vai trò của Việt Nam
Đại sứ các nước ASEAN tại Cuba đánh giá cao vai trò của Việt Nam

Ngày 30/12, Đại sứ các nước Campuchia, Lào, Indonesia, Myanmar và Malaysia đánh giá cao vai trò của Việt Nam khi đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên Ủy ban Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Cuba (ACHC) trong 6 tháng cuối năm 2024 trong việc tăng cường quan hệ nội khối và với nước sở tại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN