Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đặt mục tiêu giữ cho nhiệt độ Trái Đất tăng từ 1,5-2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp vào cuối thế kỷ này. Các chuyên gia cho rằng thế giới đang đi lệch hướng, và với nhiệt độ trung bình đã tăng khoảng 1 độ C thì cần phải có những hành động quyết liệt trong 30 năm tới.
Gần đây, Trung Quốc - quốc gia gây ô nhiễm hàng đầu thế giới- đã tuyên bố nước này sẽ loại bỏ dần lượng khí thải vào năm 2060, trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc cũng cam kết loại bỏ khí thải đã thu hút sự lạc quan thận trọng từ các nhà hoạt động chống biến đổi khí hậu. Hy vọng của họ càng được thúc đẩy sau khi ông Joe Biden, người được truyền thông Mỹ đưa tin giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng vừa qua, cam kết sẽ đưa Mỹ quay trở lại Hiệp định Paris. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) muốn đầu tư hàng trăm tỷ USD vào công cuộc “phục hồi xanh” và đang thảo luận xem liệu có nên tăng mục tiêu phát thải trung hạn đến năm 2030 hay không.
Thư ký điều hành của UNFCCC nhấn mạnh “những thông báo này thực sự phi thường. Chỉ vài tháng trước, tôi không nghĩ có ai thực sự dự đoán được rằng chúng ta sẽ thấy những loại thông báo đó vào thời điểm này. Và đặc biệt là ở giữa đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19”. Bà Patricia Espinosa đánh giá việc các nước sẵn sàng cam kết cao hơn về hạn chế phát thải cho thấy việc kiềm chế sự nóng lên toàn cầu vẫn là một ưu tiên chính trị, và mục tiêu của Hiệp định Paris là có thể đạt được.