Từ Hiệp định Paris về Việt Nam đến đại thắng mùa Xuân 1975: Vẹn nguyên ý nghĩa thời sự từ những bài học về nghệ thuật đàm phán

Kéo dài 4 năm, 8 tháng, 14 ngày, trải qua 202 phiên họp công khai và 45 cuộc gặp riêng giữa Việt Nam và Mỹ, Hội nghị Paris là Hội nghị dài nhất trong lịch sử ngoại giao thế giới với đỉnh cao là việc ký kết Hiệp định Paris ngày 27/1/1973, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Hội nghị Paris được đánh giá là cuộc đấu trí tuệ, bản lĩnh quyết liệt giữa nền ngoại giao non trẻ với nền ngoại giao lão luyện của một siêu cường hàng đầu thế giới.

Chú thích ảnh
Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (giữa) chủ trì toạ đàm “Từ Hiệp định Paris về Việt Nam đến Đại thắng mùa Xuân năm 1975: Vai trò của mặt trận ngoại giao góp phần vào thắng lợi lịch sử 30/4”. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Tại Tọa đàm khoa học “Từ Hiệp định Paris về Việt Nam đến đại thắng mùa Xuân 1975: Vai trò của mặt trận ngoại giao góp phần vào thắng lợi lịch sử 30/4” do Bộ Ngoại giao chủ trì tổ chức ngày 28/4 tại Hà Nội, đại biểu tham dự đã phân tích sâu về đường lối ngoại giao sáng tạo, yếu tố then chốt trong mặt trận ngoại giao giai đoạn này.

Từ đường lối ngoại giao sáng tạo…

Nhà báo Hà Đăng, nguyên là Người Phát ngôn của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris cho biết, Hội nghị Paris có hai diễn đàn: Diễn đàn công khai và diễn đàn bí mật.

Ở diễn đàn công khai, Hội nghị gồm 4 bên (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Mỹ, Việt Nam Cộng hòa). Trong khi đó, diễn đàn bí mật chỉ diễn ra giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Mỹ.

Với đường lối ngoại giao sáng tạo, được chỉ đạo bằng tư tưởng Hồ Chí Minh, ngoại giao trở thành mặt trận quan trọng cùng với quân sự và chính trị trong quá trình đàm phán Hiệp định Paris.

Mặt trận ngoại giao không có tiếng súng, nhưng đưa tiếng nói của chính nghĩa trong cuộc kháng chiến giành lại độc lập của dân tộc Việt Nam ra bên ngoài. Trong mặt trận ngoại giao, chiến lược ngoại giao đóng vai trò then chốt, quan trọng. Tại Hội nghị Paris, Việt Nam có chiến lược "tuy hai mà một". Theo đó, về hình thức, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam hoạt động độc lập với nhau. Tuy nhiên, hai đoàn thực chất là một, là đại diện cho nhân dân Việt Nam, đại diện cho đất nước Việt Nam.

Sách lược ngoại giao “tuy hai mà một, tuy một mà hai” cũng diễn ra trong suốt quá trình đàm phán. Thậm chí, tại bàn hội nghị, nhiều đề nghị, giải pháp được đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nêu nhưng Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam lại đưa tin. “Cho nên, bên ngoài thấy hai đoàn độc lập với nhau nhưng cùng chung tiếng nói”, Nhà báo Hà Đăng chia sẻ.

Nhấn mạnh vai trò của ngoại giao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Trưởng SOM ASEAN Việt Nam, Đại sứ Phạm Quang Vinh khẳng định, để có được kết quả quan trọng trong việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, Việt Nam đã phát huy sức mạnh ngoại giao dựa trên các yếu tố then chốt: Độc lập dân tộc, luật pháp quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc và thời đại, truyền thông quốc tế về tinh thần chính nghĩa cuộc chiến.

Theo đó, trong suốt chiều dài cuộc kháng chiến chống Mỹ, đã có những giai đoạn truyền thông quốc tế đánh giá còn mờ nhạt, chưa rõ ràng về cuộc chiến đấu giành lại độc lập của dân tộc Việt Nam. “Đến khi chúng ta phát huy được tinh thần chính nghĩa, sức mạnh chiến trường, sức mạnh truyền thông và đấu tranh dư luận, truyền thông quốc tế mới nhận ra rằng, đây là một cuộc kháng chiến giành lại độc tập của dân tộc Việt Nam”, Đại sứ Phạm Quang Vinh nhấn mạnh. Cũng theo Đại sứ, đây là bài học kinh nghiệm quý giá trong việc xây dựng các chính sách đối ngoại, vận động quốc tế hiện nay.

… tới bài học “dĩ bất biến, ứng vạn biến”

Chú thích ảnh
Một cuộc họp 4 bên tại trại Davis. Ảnh tư liệu: TTXVN

“Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh bao trùm tất cả những hoạt động ngoại giao của chúng ta từ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và bây giờ là nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Trong thời kỳ đàm phán hiệp định Geneva, Việt Nam chưa có điều kiện thể hiện ý tưởng, tư tưởng, nghệ thuật ngoại giao Bác đã dạy. Đến Hội nghị Paris, đây là lúc Việt Nam đã trưởng thành, làm chủ vận mệnh của mình nên đã vận dụng được hầu hết những điều quan trọng mà Bác Hồ truyền lại”, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên nhấn mạnh.

Kế thừa những tinh hoa về tư tưởng biện chứng của các bậc tiền nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng triết lý “dĩ bất biến, ứng vạn biến” đặc sắc và uyên thâm vào các chính sách ngoại giao. Theo ông Nguyễn Dy Niên, tại Hiệp định Paris, ngay thời điểm họp, Bác Hồ chỉ ra chiến lược quan trọng, “phải đúng lúc, đúng điểm rơi mới có kết quả”.

Khi đó, Việt Nam phải chịu nhiều sức ép do đối phương; đồng minh muốn tiến hành đàm phán với Mỹ sớm… Tuy nhiên, Việt Nam chưa sẵn sàng thực hiện bởi, nếu đàm phán non không thể có đàm phán thực chất. Lúc đó, Mỹ có ý đồ dùng đàm phán để kéo dài chiến tranh, leo thang chiến tranh; đồng thời củng cố vị trí của chính quyền Sài Gòn.

“Trong quá trình đàm phán, Việt Nam sử dụng rất nhiều bài học Bác Hồ dạy, tiến từng bước đến kết quả cuối cùng. Điều quan trọng nhất trong lời dạy của Bác là "dĩ bất biến, ứng vạn biến". Những điều chúng ta có thể thỏa hiệp được, chúng ta thỏa hiệp, nhưng cái cốt lõi thì không bao giờ được phép thỏa hiệp”, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên nêu rõ.

Nhấn mạnh việc linh hoạt, mềm dẻo trong vận dụng các chính sách đối ngoại, ông Nguyễn Dy Niên đưa ra ví dụ, với việc Mỹ và đồng minh rút khỏi miền Nam Việt Nam, Mỹ dùng cớ là có quân đội miền Bắc ở miền Nam Việt Nam thì miền Bắc phải rút cùng với Mỹ và đồng minh. Tuy nhiên, lập luận của Việt Nam lúc ấy rất đanh thép. Đó là, dân tộc Việt Nam là một, đất nước Việt Nam là một nên ở đâu có giặc, người Việt Nam có bổn phận đến đó để bảo vệ Tổ quốc.

Nêu rõ giá trị bài học “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, ông Nguyễn Dy Niên khẳng định: “Đến nay, mọi thương lượng, điều đình, đàm phán đều phải giữ nguyên tắc này. Đây là di sản quan trọng, thấu đáo và thấm thía cho mỗi người Việt Nam, đặc biệt mỗi nhà ngoại giao Việt Nam trong quá trình thương lượng và đàm phán”, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên nhấn mạnh.

Với việc ký kết thành công Hiệp định Paris, Mỹ buộc phải cam kết “tôn trọng độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam”. Hiệp định là văn bản pháp lý toàn diện, đầy đủ nhất công nhận các quyền cơ bản của dân tộc ta. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam.

Hội nghị Paris và Hiệp định Paris đã góp phần quan trọng vào nỗ lực tạo nên bước chuyển chiến lược của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, từng bước buộc Mỹ phải đi vào giải pháp, chấm dứt ném bom miền Bắc, rút toàn bộ quân Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam, hoàn thành mục tiêu chiến lược “đánh cho Mỹ cút” .

Với việc buộc Mỹ phải rút hết, trong khi ta duy trì được hoàn toàn lực lượng, Hiệp định mở ra một cục diện mới, so sánh lực lượng trên chiến trường nghiêng hẳn về ta để tiến lên “đánh cho ngụy nhào”, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Thu Phương - Diệp Trương (TTXVN)
Từ Hiệp định Paris về Việt Nam đến đại thắng Mùa Xuân năm 1975: Vai trò của Mặt trận ngoại giao góp phần vào thắng lợi lịch sử 30/4
Từ Hiệp định Paris về Việt Nam đến đại thắng Mùa Xuân năm 1975: Vai trò của Mặt trận ngoại giao góp phần vào thắng lợi lịch sử 30/4

Hội nghị và Hiệp định Paris là đỉnh cao của mặt trận ngoại giao Việt Nam thời kỳ chống Mỹ cứu nước, thể hiện vai trò quan trọng, tích cực và chủ động của mặt trận ngoại giao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN