Các quốc gia và tổ chức khẩn trương viện trợ lương thực cho Gaza

Nhiều quốc gia, cơ quan viện trợ và tổ chức từ thiện đang nỗ lực chuyển lương thực tới Gaza bằng đường bộ, đường hàng không và đường biển.

Chú thích ảnh
Cảnh đổ nát sau các cuộc không kích của Israel xuống Dải Gaza ngày 8/3/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Theo hãng thông tấn AFP, cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas nổ ra từ ngày 7/10/2023 đã khiến hàng nghìn dân thường thiệt mạng, biến nhiều khu vực rộng lớn thành vùng đất đổ nát và làm dấy lên cảnh báo về nạn đói ở đây.

Trong bối cảnh đó, tàu viện trợ Open Arms của Tây Ban Nha đã bắt đầu hành trình đến Gaza từ CH Síp vào sáng sớm 13/3, kéo theo một sà lan chở 200 tấn lương thực. Đây là chuyến tàu viện trợ đầu tiên trong nỗ lực mở hành lang hàng hải đưa hàng viện trợ tới dải đất của người Palestine.

Trong khi đó, dòng xe tải viện trợ từ Ai Cập đến Gaza gần đây đã chậm lại. Nguyên nhân là do các biện pháp kiểm tra an ninh hàng hóa nghiêm ngặt của Israel, cũng như tình trạng bất ổn dân sự ở Gaza, nơi đám đông người dân đã đổ xô đến cướp bóc các lô hàng viện trợ.

Sáu quốc gia Arab và phương Tây đã thả thực phẩm bằng dù xuống Gaza. Maroc đã điều một máy bay chở hàng cứu trợ qua sân bay Ben Gurion của Israel.

Quân đội Israel cho biết Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc (WFP) đang thử nghiệm tuyến đường bộ thay thế từ miền Nam Israel, gửi 6 xe tải viện trợ tới miền Bắc Gaza thông qua một cổng trong hàng rào an ninh.

WFP cho biết giới chức đã cung cấp đủ lương thực cho 25.000 người và yêu cầu chuyển hàng cứu trợ cho người dân ở phía Bắc Gaza đang bên bờ vực nạn đói vào mỗi ngày.

 

Chú thích ảnh
Open Arms, một tàu cứu hộ thuộc sở hữu của một tổ chức phi chính phủ Tây Ban Nha, khởi hành cùng viện trợ nhân đạo cho Gaza. Ảnh: Nguồn tin nước ngoài

Theo Cơ quan y tế Gaza, tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng sau hơn 5 tháng xung đột và bị phong toả đã khiến 27 người tử vong vì suy dinh dưỡng và mất nước, hầu hết là trẻ em. 

Khi các cơ quan viện trợ cảnh báo việc vận chuyển bằng xe tải và thả dù không thể đáp ứng được nhu cầu cấp bách ở Gaza, các quốc gia châu Âu và Mỹ đã công bố kế hoạch gửi thêm hàng cứu trợ bằng đường biển.

Tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố kế hoạch cho quân đội xây dựng một bến cảng trên bờ biển Gaza. Hôm 12/3, bốn tàu quân sự của Mỹ cũng đã rời căn cứ ở Virginia mang theo khoảng 100 binh sĩ và thiết bị hướng tới Gaza.

Phát biểu với truyền thông, Chuẩn tướng Lục quân Mỹ Brad Hinson cho biết cơ sở mới dự kiến đi vào hoạt động sau 60 ngày. Tổng cộng khoảng 500 binh sĩ thuộc Tiểu đoàn Vận tải viễn chinh số 7 sẽ tham gia chiến dịch này. Ông nhấn mạnh: “Một khi chúng tôi có đầy đủ năng lực thực hiện sứ mệnh, chúng tôi sẽ có thể vận chuyển 2 triệu khẩu phần ăn hoặc 2 triệu chai nước lên bờ mỗi ngày”.

Giới chức Mỹ cho biết nỗ lực này không liên quan đến việc triển khai trên bộ ở Gaza, nhưng binh sĩ Mỹ sẽ đến gần Gaza khi họ xây dựng bến tàu, vốn phải được neo vào bờ.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo AFP)
Thổ Nhĩ Kỳ chỉ ra thách thức trong việc chuyển hàng viện trợ tới Gaza
Thổ Nhĩ Kỳ chỉ ra thách thức trong việc chuyển hàng viện trợ tới Gaza

Việc phân bổ hàng viện trợ nhân đạo bằng đường không và đường biển tới Dải Gaza là diễn biến tích cực, song chưa giải quyết cốt lõi vấn đề tại vùng lãnh thổ này. Đây là lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ được người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này đưa ra ngày 13/3.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN