Ông Gharib Abdel-Hafez nêu rõ Ai Cập đã tham gia liên minh quốc tế cùng với Jordan, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Mỹ, Pháp, Hà Lan và Bỉ để thả viện trợ xuống Gaza nhằm cứu trợ người Palestine. Theo đó, máy bay vận tải quân sự của Ai Cập cùng với các máy bay khác từ các nước tham gia liên minh đã phân phát hàng viện trợ cho các khu vực bị ảnh hưởng ở phía Bắc Gaza.
Người phát ngôn trên nhấn mạnh những nỗ lực chung của Ai Cập cùng với các quốc gia khác phản ánh cam kết tập thể nỗ lực cứu trợ giảm bớt khó khăn cho người Palestine ở Dải Gaza.
Tuần trước, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi cho biết viện trợ của nước này cho Gaza được chuyển bằng đường hàng không do những khó khăn trên tuyến đường bộ. Trước đó, lực lượng không quân Ai Cập đã tiến hành các đợt thả hàng viện trợ nhân đạo xuống Dải Gaza.
Cùng ngày 12/3, Maroc đã gửi 40 tấn hàng viện trợ nhân đạo cho Dải Gaza qua một sân bay của Israel.
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, động thái trên là nỗ lực mới nhất nhằm đa dạng hóa các tuyến viện trợ dành cho vùng lãnh thổ Palestine.
Một nguồn tin ngoại giao cho biết viện trợ lương thực từ Maroc đã đến sân bay Ben Gurion gần Tel Aviv, trước khi được chuyển đến Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ của Palestine tại cửa khẩu Kerem Shalom giữa Israel và Gaza.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Maroc cho biết: "Maroc là quốc gia đầu tiên chuyển viện trợ nhân đạo qua tuyến đường bộ này".
Kể từ khi xung đột Hamas-Israel bắt đầu bùng ngày ngày 7/10/2023, các xe tải chở hàng viện trợ vào Dải Gaza qua Ai Cập.
Các quan chức Israel chưa đưa ra xác nhận sáng kiến của Maroc có phải là tuyến đường bộ đầu tiên đưa viện trợ nước ngoài qua lãnh thổ Israel hay không.
Nguồn tin ngoại giao Maroc cho biết thêm mối quan hệ giữa Maroc và Israel, được bình thường hóa theo hiệp định do Mỹ làm trung gian năm 2020, đã giúp hoạt động này được tiến hành.
Liên hợp quốc đã nhiều lần cảnh báo về ngay cơ xảy ra nạn đói ở Gaza, trong bối cảnh cuộc xung đột đã bước sang tháng thứ 6.