Trong cuộc họp báo diễn rại tại thủ đô Ankara, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Oncu Keceli thông báo nước này đã gửi 9.000 tấn hàng gồm vật tư y tế, hàng viện trợ cho trẻ em và dù tới Jordan để triển khai thả số hàng này xuống Dải Gaza. Tuy nhiên, ông cho rằng điều này là chưa đủ để xoa dịu những khó khăn, thiếu thốn mà người dân Gaza đang đối mặt.
Ông nêu rõ kế hoạch gửi hàng viện trợ nhân đạo qua đường biển và hàng không là đáng hoan nghênh, song việc tập trung vào các giải pháp giảm nhẹ thay vì giải quyết vấn đề thực tế không đi vào gốc rễ vấn đề. Ông cho biết Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan và phái đoàn nước này đã truyền đạt quan điểm này tới các quan chức Mỹ trong các cuộc đàm phán ở Washington tuần trước. Ông nhấn mạnh việc chuyển hàng viện trợ nhân đạo tới Gaza bằng đường bộ sẽ dễ dàng hơn, tiết kiệm chi phí hơn và hiệu quả hơn.
Liên hợp quốc (LHQ) đã cảnh báo rằng "gần như không thể tránh khỏi" nguy cơ nạn đói lan rộng ở Dải Gaza nếu không có hành động khẩn cấp.
Sau khi Dải Gaza bị phong tỏa khiến nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm cho trên 2 triệu người ở dải đất này cạn kiệt, nhiều quốc gia đang thúc đẩy các tuyến đường mới để vận chuyển viện trợ nhằm ngăn chặn nạn đói và khủng hoảng nhân đạo. Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần kêu gọi một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và hối thúc các nước phương Tây gây sức ép để Isarel mở thêm hành lang vận chuyển hàng viện trợ.
Trước đó cùng ngày, truyền thông phương Tây đưa tin rằng Mỹ có thể kêu gọi các đối tác và đồng minh tài trợ cho một chiến dịch tư nhân để gửi viện trợ bằng đường biển tới Gaza. Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây cũng tuyên bố quân đội nước này sẽ mở một cảng tạm thời ngoài khơi bờ biển Gaza để cung cấp thêm viện trợ tới đây. Cùng với Jordan và những nước khác, Washington cũng bắt đầu thả viện trợ xuống Gaza bằng đường hàng không trong tháng này.