Các quốc gia đã chi bao nhiêu cho vũ khí hạt nhân trong năm 2021?

Chín quốc gia trang bị vũ khí hạt nhân trên thế giới đã chi tổng cộng 82,4 tỉ USD để nâng cấp vũ khí nguyên tử của họ trong năm 2021, nhiều hơn 8% so với năm trước đó.

Chú thích ảnh
Ảnh: Reuters

Trang Al Jazeera dẫn báo cáo chi tiêu vũ khí hạt nhân toàn cầu do Tổ chức quốc tế vận động bãi bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) công bố ngày 14/6 cho biết Mỹ đứng đầu danh sách chi tiêu hạt nhân năm 2021, chiếm hơn một nửa tổng chi tiêu toàn cầu (với 44,2 tỉ USD). Đứng ở vị trí thứ hai là Trung Quốc, nhưng với khoản chi thấp hơn nhiều so với Mỹ, (11,7 USD. Tiếp đó là Nga (8,6 tỉ USD), Anh (6,8 tỉ USD), Pháp (5,9 tỉ USD), Ấn Độ (2,3 tỉ USD), Israel (1,2 tỉ USD).

ICAN ước tính Triều Tiên đã chi 642 triệu USD cho vũ khí hạt nhân vào năm 2021, ngay cả khi nền kinh tế của nước này gặp khó khăn dưới các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc và biện pháp đóng cửa biên giới để phòng dịch COVID-19. Tuy nhiên, Triều Tiên vẫn là nước chi tiêu thấp nhất cho vũ khí hạt nhân trong số 9 quốc gia sở hữu loại vũ khí này. Chi tiêu cho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên chỉ bằng một nửa quốc gia xếp ngay trên là Pakistan (với 1,1 tỉ USD).

“Nhóm các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đã chi một số tiền không đáng có cho loại vũ khí hủy diệt hàng loạt bất hợp pháp trong năm 2021, trong bối cảnh phần lớn các quốc gia trên thế giới đều ủng hộ lệnh cấm vũ khí hạt nhân toàn cầu”, ICAN cho biết trong báo cáo. Theo ICAN, khoản chi này đã không thể ngăn chặn một cuộc chiến tranh ở châu Âu và làm lãng phí các nguồn lực quý giá, có thể được sử dụng hiệu quả hơn để giải quyết các thách thức an ninh hiện tại, hoặc đối phó với đại dịch toàn cầu vẫn đang hoành hành. Chu kỳ tiêu xài hoang phí này cần phải chấm dứt.

ICAN cũng lưu ý rằng các nhà sản xuất vũ khí hạt nhân cũng đã chi hàng triệu USD để vận động hành lang quốc phòng. Mỗi 1 USD chi cho vận động hành lang dẫn đến khoản chi trung bình 256 USD cho các hợp đồng mới liên quan đến vũ khí hạt nhân.

Báo cáo cho biết: “Việc trao đổi tiền bạc và ảnh hưởng - từ các quốc gia, doanh nghiệp, đến những người vận động hành lang và các tổ chức tư vấn - sẽ giúp duy trì một kho vũ khí hủy diệt thảm khốc trên toàn cầu”.

Hôm 13/6, Cơ quan Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cảnh báo rằng tất cả 9 quốc gia trang bị vũ khí hạt nhân đều đang gia tăng hoặc nâng cấp kho vũ khí của họ. Điều đó có thể dẫn tới nguy cơ loại vũ khí này có thể được triển khai cao hơn bất cứ thời điểm nào kể từ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh.

Bình Nhưỡng đã rời khỏi các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa sau khi cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Donald Trump không đạt được kết quả vào năm 2019. Quốc gia này đã thực hiện một số vụ phóng tên lửa kỷ lục trong năm nay. Có những lo ngại rằng Triều Tiên đang chuẩn bị cho các vụ thử vũ khí hạt nhân đầu tiên kể từ năm 2017.

Không có xác nhận chính thức nào về khoản ngân sách Triều Tiên đầu tư cho vũ khí hạt nhân hay quy mô kho vũ khí của nước này. Tuy nhiên, trong báo cáo thường niên công bố vào tuần này, SIPRI ước tính Bình Nhưỡng có thể sở hữu 20 đầu đạn hạt nhân và có thể đủ vật liệu phân hạch cho 45-55 thiết bị hạt nhân. Cơ quan này cũng nhận định chương trình vũ khí hạt nhân vẫn đóng vai trò trung tâm trong chiến lược an ninh quốc gia của nước này.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo Aljazeera)
Báo Nga: Trung Quốc vượt Nga, Mỹ trong chạy đua vũ trang hạt nhân
Báo Nga: Trung Quốc vượt Nga, Mỹ trong chạy đua vũ trang hạt nhân

Phát biểu tại diễn đàn an ninh Shangri La, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa cho biết Bắc Kinh đã đạt được tiến bộ về cải tiến vũ khí hạt nhân. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN