Nga đáp trả đề xuất cung cấp vũ khí hạt nhân cho Ukraine

Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Vyacgeslav Volodin cho rằng ý tưởng cung cấp vũ khí hạt nhân cho Ukraine giữa căng thẳng Moskva - Kiev có thể châm ngòi cho một cuộc “xung đột hạt nhân ở giữa lòng châu Âu”.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Vyacgeslav Volodin. Ảnh: TASS

Theo đài RT, tuyên bố của ông Volodin được đưa ra sau khi ông Radoslaw Sikorski, thành viên nghị viện châu Âu và cựu Ngoại trưởng Ba Lan, cho rằng phương Tây có quyền cung cấp vũ khí hạt nhân cho Ukraine.

Ông Volodin đáp trả trong một bài đăng trên mạng xã hội: “Với những nghị sĩ như vậy, người châu Âu sẽ gặp phải những rắc rối nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì họ đã phải đối mặt ngày nay - tị nạn, lạm phát kỷ lục, khủng hoảng năng lượng”. Ông nhấn mạnh Nga không chỉ có trách nhiệm “phi quân sự hoá Ukraine, mà còn phải đảm bảo tình trạng phi hạt nhân hóa của nước này”.

Ông Sikorski, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Ba Lan từ năm 2007 đến năm 2014, đã đưa ra ý tưởng trên trong cuộc phỏng vấn với kênh TV Espreso của Ukraine hôm 11/6. Nhà ngoại giao Ba Lan cũng cáo buộc Nga vi phạm Bản ghi nhớ Budapest năm 1994 - thỏa thuận được Ukraine, Nga, Anh và Mỹ ký kết. Theo thỏa thuận này, Kiev giao nộp kho vũ khí hạt nhân mà nước này được thừa hưởng sau khi Liên Xô sụp đổ để đổi lấy các đảm bảo an ninh và lợi ích kinh tế.

“Phương Tây có quyền cung cấp cho Ukraine các đầu đạn hạt nhân để nước này có thể bảo vệ nền độc lập của mình”, ông Sikorski tuyên bố.

Bình luận của chính trị gia này có điểm giống tuyên bố của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngay trước khi xung đột nổ ra vào cuối tháng 2. Phát biểu tại một hội nghị an ninh ở Munich, Đức, ông Zelensky cho rằng Ukraine có thể từ bỏ quy chế phi hạt nhân hóa, vì thỏa thuận năm 1994 “không có hiệu lực”.

“Ukraine đã từ bỏ kho vũ khí hạt nhân lớn thứ ba trên thế giới để đổi lấy các đảm bảo an ninh. Chúng tôi không còn loại vũ khí đó. Và chúng tôi cũng không nhận được sự đảm bảo nào”, ông Zelensky nói.

Từng là nước cộng hòa hùng mạnh thứ hai trong Liên bang Xô viết, Ukraine đã tuyên bố độc lập vào tháng 12/1991. Ukraine trở thành cường quốc hạt nhân thứ ba thế giới, nhưng trong một thời gian ngắn. Sau khi Liên Xô tan rã, hàng nghìn vũ khí hạt nhân, khoảng 1/3 kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô, được để lại trên đất Ukraine. Theo Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ (FAS), Ukraine có xấp xỉ 3.000 vũ khí hạt nhân chiến thuật dùng để tấn công các cơ sở quân sự lớn, hạm đội hải quân và lực lượng thiết giáp, cùng khoảng 2.000 vũ khí hạt nhân chiến lược có thể phá hủy các thành phố.

Kiev đã nhiều lần cáo buộc Moskva vi phạm Bản ghi nhớ Budapest sau khi Crimea bỏ phiếu gia nhập Nga trong bối cảnh cuộc chính biến ở Kiev bùng nổ vào năm 2014. Về phần mình, Moskva đã bác bỏ những tuyên bố này.

Hôm 13/6, Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) tại Thụy Điển cũng đã dự đoán số lượng vũ khí hạt nhân trên thế giới sẽ tăng trong thập kỷ tới, sau khi giảm trong 35 năm, trong bối cảnh căng thẳng toàn cầu leo thang liên quan đến cuộc xung đột Nga-Ukraine.  

Theo SIPRI, 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Israel, Triều Tiên, Pakistan, Mỹ và Nga có 12.705 đầu đạn hạt nhân vào đầu năm 2022, ít hơn 375 đầu đạn so với năm 2021. Con số này đã giảm so với mức hơn 70.000 đầu đạn hạt nhân vào năm 1986. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu của SIPRI nhận định rằng nỗ lực giải trừ vũ khí hiện nay có thể sẽ kết thúc và nguy cơ leo thang hạt nhân đang ở mức cao nhất kể từ thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh.

Trong cuộc xung đột ở Ukraine, Tổng Nga Vladimir Putin từng đề cập đến vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, một số quốc gia như Trung Quốc và Anh đang hiện đại hóa quân đội hoặc tăng cường vũ khí một cách chính thức hoặc không chính thức.

Nhà nghiên cứu Matt Korda đánh giá: “Rất khó để đạt được tiến bộ trong tiến trình giải trừ vũ khí trong những năm tới do xung đột Nga-Ukraine”, đồng thời nhận định tình hình hiện nay đang thúc đẩy nhiều quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân khác phải tính đến chiến lược hạt nhân riêng.

Hải Vân/Báo Tin tức
Tại sao phương Tây cần dè chừng việc tịch thu vĩnh viễn tài sản của Nga?
Tại sao phương Tây cần dè chừng việc tịch thu vĩnh viễn tài sản của Nga?

Tịch thu tài sản của Nga là một ý tưởng nhiều nước phương Tây tính tới trong bối cảnh hiện nay, nhưng cũng có thể là một sai lầm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN