Đây là một phần của kết quả cuộc khảo sát cơ bản về bình đẳng giới trong quản lý việc làm cho tài khóa 2023, tiến hành tại 6.300 doanh nghiệp có từ 5 nhân viên trở lên và nhận được phản hồi hợp lệ từ 3.495 doanh nghiệp.
Tỷ lệ này tăng mạnh so với mức 17,1% của tài khóa trước trong bối cảnh Chính phủ Nhật Bản đang tìm cách tăng tỷ lệ nhân viên nam nghỉ phép chăm sóc con lên 50% vào năm 2025. Nguyên nhân là do các công ty được yêu cầu từ mùa Xuân năm 2022 phải thông báo và nắm bắt nhu cầu của lao động nam về các lựa chọn chăm sóc con cái. Theo một viên chức của MHLW, việc hỏi về dự định của nhân viên là một dấu hiệu để nhắc họ về quyền được nghỉ phép để chăm con. Bộ này cam kết mục tiêu tiếp tục nâng tỷ lệ này lên 50%.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy khoảng thời gian nghỉ phép chăm con phổ biến nhất của nam giới là trong khoảng từ 1-3 tháng với 28%, từ 5 - 14 ngày là 22% và từ 14-30 ngày là 20,4%. Trong cuộc khảo sát tương tự vào năm 2021, nam giới nghỉ nhiều nhất là từ 5-14 ngày (chiếm 26,5%). Điều này cho thấy ngày càng có nhiều lao động nam xin nghỉ phép chăm con trong thời gian dài hơn.
Tính theo ngành, tỷ lệ nam giới trong ngành dịch vụ liên quan đến sức khỏe và giải trí nghỉ chăm con là 55,3%, ngành dịch vụ tài chính và bảo hiểm là 43,8% và ngành nghiên cứu học thuật và công nghệ là 42,8%. Tỷ lệ thấp nhất là 16,9% đối với nam nhân viên ngành bất động sản và cho thuê, tiếp theo là 20,1% đối với ngành bán buôn - bán lẻ và 21,1% đối với ngành lưu trú và thực phẩm.
Theo quy định của Nhật Bản, các công ty có hơn 1.000 nhân viên phải công bố tỷ lệ nam giới nghỉ phép chăm con. Một số công ty còn tăng trợ cấp trong thời gian nghỉ chăm sóc con cái lên ngang bằng với mức lương để khuyến khích nhân viên.
Một cuộc khảo sát khác của MHLW đối với các nam sinh viên từ 18 đến 25 tuổi cho thấy 84% số người được hỏi muốn nghỉ phép chăm sóc con cái và 63% số người tham gia khảo sát cân nhắc thông tin về chương trình nghỉ phép chăm sóc con của công ty khi tìm việc.