Khảo sát được thực hiện với 113 công ty từ tháng 11 đến tháng 12/2023, trong đó khoảng một nửa công ty báo cáo trong hồ sơ rằng ít nhất 80% nam nhân viên đã nghỉ phép sinh con, không tính đến thời gian nghỉ. Tuy nhiên, về thời gian nghỉ trung bình, nhóm lớn nhất (47%) cho biết khoảng từ 1 tháng đến dưới 3 tháng, tiếp theo là 25% cho biết 2 tuần đến dưới 1 tháng. Khoảng 13% cho biết trung bình nghỉ 5 ngày đến dưới 2 tuần, 4% trả lời 3 tháng đến dưới 6 tháng, trong khi 2% cho biết dưới 5 ngày.
Ngược lại, thời gian nghỉ của nhân viên nữ dài hơn nhiều, với 51% công ty được khảo sát cho biết nhân viên nữ nghỉ trung bình 12 tháng đến dưới 18 tháng, và 27% có thời gian nghỉ từ 6 tháng đến dưới 12 tháng. Có 8% nghỉ từ 18 tháng trở lên, trong khi 4% nghỉ dưới 6 tháng.
Khi được hỏi về những thách thức mà nhân viên nữ phải đối mặt sau khi nghỉ phép chăm con lâu hơn nam giới (được chọn nhiều đáp án), 59% các công ty nêu ra là chậm thăng tiến sự nghiệp, 30% cho biết hạn chế giờ làm việc và 19% chậm tăng lương.
Ở Nhật Bản, về nguyên tắc, một nhân viên có thể nghỉ phép chăm con cho đến khi trẻ được 1 tuổi và có thể kéo dài đến khi trẻ lên 2 tuổi tùy theo tình hình. Bên cạnh đó, người cha có thể nghỉ phép tối đa 4 tuần trong vòng 8 tuần đầu sinh con.
Kể từ tháng 4 năm ngoái, các công ty có hơn 1.000 nhân viên bắt buộc phải công khai tỷ lệ nam nhân viên nghỉ phép chăm con hằng năm.
Các chuyên gia cho rằng việc người cha nghỉ phép sinh con là điều quan trọng để san sẻ gánh nặng việc nhà và nuôi dạy con cái giữa các cặp vợ chồng, cũng như giúp phụ nữ tiếp tục làm việc và thúc đẩy họ sinh thêm con ở Nhật Bản, quốc gia đang phải vật lộn với tỷ lệ sinh giảm nhanh chóng và dân số thu hẹp.
Công ty Tokio Marine & Nichido Fire Insurance, một công ty con bảo hiểm tài sản thuộc Tập đoàn Tokio Marine Holdings Inc., cho biết tỷ lệ nhân viên nam nghỉ phép chăm con trong năm tài chính 2022 là 100%, nhưng thời gian nghỉ trung bình dưới 5 ngày. Công ty này cam kết sẽ cố gắng đảm bảo rằng tất cả nhân viên có thể nghỉ phép lâu tùy theo nhu cầu.