Mới đây, Bộ trưởng Giao thông vận tải Mỹ Pete Buttigieg đã xin nghỉ phép để trông con. "Đồ thất bại" và "kỳ lạ" là một trong những lời nhận xét sau khi ông và chồng là Chasten nhận chăm sóc một cặp song sinh. Cuộc tấn công dồn dập tràn ngập sự kỳ thị đã khiến một số ông bố đang làm việc không thể tận dụng các chính sách gia đình, bất chấp những lợi ích kinh tế và xã hội.
Người dẫn chương trình Joe Rogan từng đặt câu hỏi trên sóng truyền hình: “Không phải quy định này là dành cho người sinh nở hay sao?”. Ông Rogan đánh giá rằng thật lạ lùng nếu như cả người mẹ và người bố cùng nghỉ thai sản và nghỉ chăm con nhỏ cùng lúc.
Trong khi đó, nhà đầu tư mạo hiểm Joe Lonsdale, đồng sáng lập Palantir Technologies, hôm 27/10 đã viết một dòng tweet rằng bất kỳ người đàn ông có tên tuổi nào nghỉ việc sáu tháng để chăm sóc con đều là “kẻ thất bại”.
Thực trạng tại Mỹ
Bộ trưởng Buttigieg - người nhận nuôi hai bé Penelope Rose và Joseph August và thông báo nghỉ chế độ chăm con hồi tháng 8 - trả lời phỏng vấn kênh truyền hình ABC News rằng làn sóng chỉ trích nhằm vào ông cũng có khía cạnh tốt, bởi nó châm ngòi cho một cuộc tranh luận. “Chúng ta gần như là quốc gia duy nhất còn lại trên thế giới không có chính sách như vậy. Và khi bố mẹ nghỉ chăm con nhỏ, họ cần được ủng hộ”, quan chức 39 tuổi này nói.
Cuộc thảo luận về vai trò trong gia đình của nam giới đang diễn ra khi các nghị sĩ đảng Dân chủ tại Quốc hội Mỹ bác bỏ đề xuất nghỉ phép có lương vì lý do gia đình để thông qua kế hoạch kinh tế trị giá 1,75 nghìn tỷ USD của Tổng thống Joe Biden. Mỹ là một trong bảy quốc gia trên thế giới không có chế độ nghỉ phép hưởng lương cho các bà mẹ mới sinh.
Đại dịch COVID-19 khiến các bậc cha mẹ đang đi làm rơi vào thế khó. Tình trạng thiếu người chăm sóc trẻ em đã khiến phụ nữ không thể trở lại lực lượng lao động, tác động đến tỷ lệ tăng trưởng việc làm. Từ tháng 2/ 2020 đến tháng 2/2021, hơn 2,3 triệu phụ nữ Mỹ đã rời khỏi lực lượng lao động, khiến tỷ lệ tham gia lao động của nữ giới giảm còn 57% - thấp hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ năm 1988.
Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, tính đến tháng 3 năm nay, chỉ có 23% người lao động đủ điều kiện để nghỉ phép có lương vì lý do gia đình. Dưới 20% nam giới ở Mỹ được nghỉ phép chăm con có lương do chủ lao động cung cấp.
Mặc dù ngày càng có nhiều đàn ông tranh thủ nghỉ phép chăm con khi có điều kiện, nhưng những lời chỉ trích nổ ra đối với Bộ trưởng Buttigieg là một lời nhắc nhở rằng sự kỳ thị vẫn còn tồn tại. Theo nghiên cứu năm 2019 của Trung tâm Công việc và Gia đình của Cao đẳng Boston, chỉ có 62% nam giới được nghỉ phép so với 93% ở nữ giới. Một số người chỉ chọn nghỉ một phần khung thời gian được phép.
Theo nghiên cứu của Giáo sư luật Keith Cunningham-Parmeter tại Đại học Willamette, những người đàn ông nghỉ chăm con nhỏ có xu hướng mất vị thế ở nơi làm việc. Các nhà tuyển dụng có thể đặt câu hỏi về cam kết với công việc của họ nếu họ nghỉ quá nhiều.
Tiền lương cũng ảnh hưởng đến quyết định nghỉ phép của nam giới. Theo báo cáo năm 2019 từ Trung tâm Công việc và Gia đình tại Đại học Boston, nam giới sẽ nghỉ phép chăm con lâu hơn nếu mức lương đầy đủ của họ không bị giảm. Một nghiên cứu của trung tâm này vào năm 2014 cho thấy 5 trong số 6 ông bố có việc làm cho biết họ sẽ không nghỉ chăm con trừ khi được trả ít nhất 70% lương.
Luật nghỉ chăm con quy định thế nào?
Trong khi nhiều quốc gia cung cấp chế độ nghỉ phép có lương cho cả cha và mẹ sau khi sinh con, Mỹ thì không như vậy. Chính sách này thay đổi theo từng tiểu bang.
9 tiểu bang và Đặc khu Columbia đã lập các chương trình nghỉ phép có lương vì lý do gia đình từ 6 đến 12 tuần. Nhưng ba tiểu bang trong số đó vẫn chưa thực hiện chương trình của họ. Trong khi những nhà tuyển dụng ở ba bang đó phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu, họ luôn có thể tạo điều kiện nhiều hơn nữa. Trong khi đó, nhân viên chính phủ liên bang được nghỉ phép 12 tuần hưởng lương.
Ở hầu hết các bang, người sử dụng lao động tự quyết định số ngày nghỉ phép. Điều đó dẫn đến sự bất bình đẳng, với phần lớn những người lao động thu nhập cao hơn sẽ được hưởng lương khi nghỉ phép.
Nghỉ không lương để chăm con là một lựa chọn khác. Đạo luật Nghỉ phép vì lý do gia đình và y tế (FMLA) đảm bảo quyền lợi cho cả nam và nữ nghỉ 12 tuần không lương, nhưng việc xét đủ điều kiện hay không rất nghiêm ngặt. Một nhân viên phải làm việc ít nhất 1.250 giờ trong năm trước khi đủ tiêu chuẩn để nghỉ việc tại một tổ chức có ít nhất 50 người lao động trong bán kính 120km. Theo báo cáo tháng 2/2020 từ Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng, có tới 40% lực lượng lao động Mỹ không đủ điều kiện hưởng quyền lợi của FMLA cho các nhu cầu chăm con, chăm gia đình hoặc y tế.
Trong thời gian đại dịch, một số công ty đã tăng cường việc nghỉ phép có lương vì lý do gia đình. Một cuộc khảo sát với 2.504 chuyên gia nhân sự của Hiệp hội Quản lý Nguồn nhân lực cho thấy 44% số người được hỏi cho biết công ty của họ đã trả tiền nghỉ thai sản vào năm 2020, tăng so với mức 21% vào năm 2016.
Tác động đến nền kinh tế và xã hội
Việc người bố nghỉ phép chăm con là chuyện tích cực đối với gia đình của chính họ. Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, nghỉ phép dài ngày hơn có liên quan đến việc tăng cường gắn kết, dẫn đến cải thiện sức khỏe cũng như kết quả phát triển cho trẻ em.
Khi các ông bố nghỉ phép, nó cũng giúp các bà mẹ được đi làm, thúc đẩy tỷ lệ tham gia lực lượng lao động và tiền lương của họ. Viện Nghiên cứu chính sách của phụ nữ năm 2019 cho hay các bang có chính sách nghỉ việc có lương đã ghi nhận số lượng phụ nữ nghỉ phép sau khi sinh con trong năm đầu tiên đã giảm 20% và giảm tới 50% sau 5 năm. Nghiên cứu này đã phân tích sự tham gia vào thị trường lao động của phụ nữ ở California và New Jersey trước và sau khi mỗi bang đưa ra hệ thống nghỉ phép hưởng lương vì lý do gia đình và y tế.
Nghiên cứu đó cũng chỉ ra rằng về lâu dài, việc nghỉ phép có lương vì lý do gia đình gần như đã thu hẹp khoảng cách về mức độ tham gia lực lượng lao động giữa các bà mẹ có con nhỏ và những người không có con. Đối với phụ nữ không có quyền tiếp cận chế độ này, gần 30% đã bỏ lực lượng lao động trong vòng một năm sau khi sinh con và 20% không quay trở lại trong hơn một thập kỷ.