Mực nước biển dâng cao kết hợp với triều cường gần đây đã gây ra xói lở với tốc độ nhanh khác thường trên các bãi biển và đường bờ biển của quần đảo Hawaii, Mỹ.
Chuyên gia về sinh thái ven biển Tara Owens cho biết: “Mọi người sống ở Hawaii đều là nhà hải dương học… Họ quan sát thủy triều, để ý những con sóng. Họ không thể bỏ qua hoặc chôn vùi các vấn đề với bờ biển khi nhìn thấy chúng hàng ngày”.
Theo một báo cáo gần đây của ProPublica, ba trong số các hòn đảo lớn của Hawaii đã mất khoảng 1/4 bãi biển. Trang web của bang Hawaii cho biết, mực nước biển đang tăng khoảng 1 inch (2,54cm) cứ sau 4 năm, đe dọa 70% đường bờ biển của Hawaii.
Chuyên gia Owens cho biết, riêng ở đảo Maui, 85% đường bờ biển bị xói mòn và kết quả là các bãi tắm đang thu hẹp. "Ở đây, Hawaii ... cộng đồng của chúng tôi rất ý thức và gắn bó, và tôi nghĩ đó là điều chúng tôi phải chia sẻ với phần còn lại của đất nước, những người có thể không biết được những gì chúng tôi phải chứng kiến", bà Owens lên tiếng.
Đáp lại bản báo cáo "Code Red for Humanity" (Mã Đỏ với Nhân loại) gần đây của Liên hợp quốc (LHQ), cùng với nguy cơ mất “3 tỷ USD trong vài năm tới”, Hawaii đã trở thành tiểu bang đầu tiên ở Mỹ tuyên bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu.
Thị trưởng Maui Mike Victorino cho biết: “Nếu không hành động ngay ngày hôm nay, chúng ta sẽ mất tất cả cảnh đẹp, mất nhiều bãi biển không chỉ ở bang này, mà trên toàn thế giới”.
Ông Victorino cáo buộc các công ty khai thác nhiên liệu hóa thạch đóng vai trò quan trọng trong các tác động biến đổi khí hậu mà Maui đang phải trải qua. Theo một nghiên cứu do Văn phòng Năng lượng bang Hawaii tiến hành, bang này dự kiến phải gánh chịu “ít nhất 19 tỉ USD thiệt hại chỉ riêng do nước biển dâng”.
“Ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch đã không thẳng thắn với người dân thế giới, với tất cả các hòn đảo như chúng tôi và các quốc đảo sẽ là những người hứng chịu nhiều nhất và nhanh nhất”.
Ông Victorino đã đại diện cho Maui đệ đơn kiện nhằm buộc một số công ty năng lượng hóa thạch phải chịu trách nhiệm. Một số tiểu bang và thành phố tự trị khác ở Mỹ cũng đã đệ đơn tiến hành tổng cộng 26 vụ kiện.
Thủy triều dâng cao còn gây nguy hiểm cho các căn hộ, nhà ở và khách sạn ở Hawaii, trong đó có nhà của Filemon Sadang, một ngư dân sinh ra và lớn lên trên đảo Maui.
“Đại dương từng ở xa ngoài biển, cách khoảng 50 mét, còn bây giờ khoảng cách đó đã rút ngắn rất nhiều”, Sadang cho biết. Anh đổ lỗi tình trạng thủy triều dâng là do biến đổi khí hậu và chia sẻ: “Chúng tôi lo sợ sẽ mất nơi sinh sống, tất cả mọi người đều sợ. Chúng tôi phải làm điều gì đó ngay bây giờ”.
Những bức tường chắn sóng và bao cát đã được sử dụng như một giải pháp tình thế để bảo vệ tài sản và bờ biển của Hawaii. Tuy nhiên, chúng lại đang gây những tác dụng ngược. Sau nhiều năm sử dụng, tường chắn sóng đã làm tăng tốc độ xói mòn bãi biển theo cấp số nhân bằng cách xé toạc đáy biển và ngăn cản sự bồi đắp cát tự nhiên.
Trong một nỗ lực ngăn chặn thiệt hại thêm nữa, giới chức địa phương ở Hawaii đã áp dụng một chính sách không khoan dung đối với những bức tường chắn sóng mới, được xây dựng sau năm 1999. Tuy nhiên các chủ sở hữu tài sản tư nhân vẫn có thể né được chính sách này bằng cách nộp đơn xin miễn trừ. Theo báo cáo của ProPublica, tiểu bang đã cấp miễn trừ cho 230 chủ bất động sản.
John Seebart, người đại diện cho một số tòa nhà chung cư bên bờ biển ở phía tây Maui, cho biết: “Nhà của chúng tôi thực sự đang bị xói mòn do mực nước biển dâng, đây là hậu quả của hiện tượng ấm lên toàn cầu. Vì vậy, đó là vấn đề lớn”.
Khi được hỏi đánh giá mức độ nguy hiểm thế nào với tòa nhà nếu các biện pháp bảo vệ không được thực hiện, Seebart cho biết: “Tôi không phải là một kỹ sư, nhưng nếu có một cơn bão lớn, nó có thể biến mất ngay trong mùa này”.
Seebart chỉ ra tình trạng ngập lụt ở các tầng hầm, nước trong các bãi đậu xe và hố sụt sâu từ "3,6 đến 4,5 mét”. Nhóm của ông đã nghiên cứu những công trình bảo vệ lâu dài như cầu cảng, một cấu trúc dài và hẹp có thể bảo vệ bờ biển khỏi bị xói lở.
Ngoài nhà cửa, các công trình khác như đường xá cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Sóng tràn qua nhiều con đường do mực nước biển dâng cao, trong đó có Cao tốc Honoapiilani, tuyến đường quan trọng nối phía tây Maui với phần còn lại của hòn đảo. Phía bên kia con đường là 20.000 cư dân sinh sống và đây là lối duy nhất của họ để tiếp cận bệnh viện và trung tâm thành phố.
Liên hợp quốc đã báo cáo rằng sự gia tăng mực nước biển đang đẩy dân cư vào sâu nội địa và nhiệt độ nước biển tăng có thể là nguyên nhân dẫn đến gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Báo cáo cho biết, Trái đất đang ở mức nguy hiểm khi đạt đến mức nhiệt toàn cầu là 1,5 độ C. Nếu nhiệt độ toàn cầu lên tới 2 độ C, người dân ở nhiều khu vực sẽ phải trải qua những đợt nóng cực đoan. Báo cáo của LHQ nói rằng những thái cực này có thể sẽ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nguồn nước tự nhiên và sức khỏe con người nói chung.