Chuyên gia giải đáp về tin đồn phản ứng phụ lâu dài trong cơ thể do vaccine

Tại châu Âu có nhiều người vẫn ngần ngại về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 bởi lo sợ gặp phải vấn đề về sức khỏe dài hạn. Tuy nhiên, liệu có khả năng xảy ra phản ứng phụ kéo dài sau khi tiêm vaccine COVID-19?

Chú thích ảnh
Vaccine phòng COVID-19 được tiêm tại New Jersey (Mỹ). Ảnh: AP

Trong cuộc trả lời phỏng vấn gần đây với kênh Sky Sport, cầu thủ bóng đá Đức Joshua Kimmich nói rằng anh vẫn chưa tiêm vaccine COVID-19 vì cho rằng vẫn thiếu nghiên cứu liên quan tới phản ứng phụ lâu dài. Joshua Kimmich không phải là trường hợp cá biệt.

Trên mạng xã hội Twitter ở Đức còn có nhiều người sử dụng đề cập đến việc các loại vaccine khác, ví dụ như vaccine phòng cúm H1N1 có khả năng gây ra phản ứng phụ kéo dài. Vaccine phòng cúm H1N1 Pandemrix được cho có thể gây ra tác dụng phụ hiếm gặp là rối loạn giấc ngủ mang tên “chứng ngủ rũ”.

Tuy nhiên, tác dụng phụ này chỉ được phát hiện nhiều tháng sau khi Pandemrix được đưa vào sử dụng bởi số người tiêm loại vaccine này là không nhiều. Nhiều phản ứng phụ chỉ được phát hiện sau khi có nhóm đông người đã tiêm vaccine.

Phản ứng phụ của Pandemrix xảy ra trong nhóm từ 4 đến 19 tuổi, vài tuần sau khi tiêm. Theo nghiên cứu, tỷ lệ mắc “chứng ngủ rũ” khi tiêm Pandemrix là 2-6/100.000 liều tiêm cho trẻ em và thanh niên. Hiện tại EU không còn sử dụng Pandemrix.

Sự khác biệt giữa phản ứng, tác dụng phụ và phản ứng kéo dài

Kênh DW (Đức) cho biết phản ứng với vaccine thường xảy ra trong thời gian ngắn sau khi tiêm và có thể kéo dài trong vài ngày. Đối với vaccine phòng COVID-19, các phản ứng có thể xảy ra là sưng tấy tại vị trí tiêm, đau đầu, mệt mỏi. Những phản ứng này là minh chứng cho thấy hệ miễn dịch của cơ thể đang xây dựng hàng rảo bảo vệ.

Tác dụng phụ được coi là phản ứng mạnh hơn với vaccine. Theo giáo sư Christine Falk tại Viện Miễn dịch học ghép tại Hannover (Đức), tác dụng phụ là “phản ứng của cơ thể đối với vaccine, phát sinh ngoài phản ứng bình thường”. Các tác dụng phụ thường gay gắt hơn phản ứng thông thường và trong một số trường hợp nặng có thể dẫn đến tác động lâu dài đến sức khỏe. Những tác dụng phụ rất hiếm xảy ra như viêm cơ tim đã được ghi nhận ở người từng tiêm vaccine COVID-19.

Chú thích ảnh
Tính đến nay đã có trên 6,8 tỷ liều vaccine COVID-19 được phân phối trên toàn cầu. Ảnh: AP

Cụm từ “phản ứng kéo dài” không thể tách biệt khỏi “tác dụng phụ” trong mối quan hệ với vaccine. Tác dụng phụ thường biểu hiện rõ ràng sau một thời gian tiêm vaccine. Điều đáng chú ý là tính đến nay đã có trên 6,8 tỷ liều vaccine COVID-19 được phân phối trên toàn thế giới, như vậy, các tác dụng phụ hiếm gặp có thể nhận diện nhanh chóng.

Do có số lượng lớn người đã tiêm vaccine COVID-19 và nhiều tháng đã trôi qua kể từ những chương trình tiêm vaccine đầu tiên, các nhà khoa học có thêm nhiều cơ hội để xác định các tác dụng phụ.

Những tác dụng phụ được ghi nhận sau khi tiêm vaccine COVID-19

Viện Paul Ehrlich-một cơ quan y tế liên bang Đức đã liệt kê các tác dụng phụ vô cùng hiếm gặp của vaccine COVID-19 trong đó có viêm cơ tim và tràn dịch màng ngoài tim. Ngoài ra còn có phản ứng dị ứng, huyết khối xoang tĩnh mạch não, hội chứng Guillain-Barre cùng giảm tiểu cầu.

Các chuyên gia hàng đầu tại Đức đều loại bỏ khả năng người tiêm trở bệnh do vaccine COVID-19. Cơ thể người thường phản ứng với vaccine ngay sau khi tiêm hoặc vài tuần sau đó. Trong trường hợp tồi tệ nhất và cũng rất hiếm xảy ra làm mắc viêm cơ tim, mang nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe lâu dài, sau khi tiêm vaccine.

Theo các nhà nghiên cứu, khó có chuyện tác dụng phụ xuất hiện sau nhiều năm tiêm vaccine. Lý do được đưa ra là vaccine thường không tồn tại lâu trong cơ thể do vậy không có khả năng tạo phản ứng kéo dài.

Cơ quan Y tế Australia cho biết có tỷ lệ 4-6 người/1 triệu người tiêm vaccine AstraZeneca mắc hội chứng máu đông. Trung tâm Giáo dục Y tế liên bang Đức cho biết phần lớn trường hợp mắc máu đông thường xảy ra từ 2-3 tuần sau khi tiêm vaccine AstraZeneca, chủ yếu ở người dưới 60 tuổi. Nếu các tác dụng phụ được phát hiện sớm, chúng đều có thể điều trị được.

Hà Linh/Báo Tin tức
Chưa thể dự đoán thời điểm COVID-19 trở thành bệnh theo mùa
Chưa thể dự đoán thời điểm COVID-19 trở thành bệnh theo mùa

Các thời điểm xung quanh việc COVID-19 trở thành căn bệnh theo mùa là chưa thể đoán trước được, theo Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Dịch tễ Trung ương Nga Alexander Gorelov. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN