Tỷ lệ nghỉ phép để chăm con mới sinh của công nhân nam tại Toyota trong năm tài chính 2023 (kết thúc vào 31/3/2024) là 61,5%, tăng từ 19,4% trong năm tài chính 2021 và 38% trong năm tài chính 2022. Tỷ lệ trên tăng đột biến sau thông báo vào tháng 3/2023 của nhà sản xuất ô tô rằng mục tiêu của họ là giúp tất cả lao động được hưởng phép để dành thời gian cho việc chăm sóc con nhỏ, không phân biệt giới tính của người lao động.
Toyota cho biết tỷ lệ ngày càng tăng là kết quả của những nỗ lực của hãng trong suốt cả năm. Ngoài ra, 6 trong số 7 nhà cung cấp phụ tùng chính của Toyota cũng có tỷ lệ công nhân hưởng phép nghỉ thai sản trên 50%.
Vị dụ, nhà cung cấp Toyota Boshoku vào tháng 4/2023 đã bắt đầu hỗ trợ tài chính cho những nhân viên nghỉ phép chăm sóc con cái từ 28 ngày trở lên. Tỷ lệ nghỉ phép tại công ty này đã tăng 39 điểm phần trăm so với năm trước lên 67% trong năm tài chính 2023, với thời gian nghỉ phép trung bình là hai tháng.
Ngoài Toyota, tập đoàn điện tử Sony, nơi tỷ lệ nghỉ phép đã tăng 20 điểm lên 76% trong cùng kỳ báo cáo cũng đang khuyến khích nhân viên nam nhận thức rõ hơn về những thách thức khi sinh và nuôi con. Họ đã tổ chức những buổi hội thảo, trong đó nhân viên nam được thử trải qua cảm giác mang thai và chăm sóc con nhỏ.
Tập đoàn Hitachi cũng đưa ra phương án lập kế hoạch linh hoạt, làm việc từ xa và giảm giờ làm. Người lao động và ban quản lý đã đồng ý nỗ lực đạt được tỷ lệ nghỉ thai sản là 100% vào cuối năm tài chính 2025. Tỷ lệ này trong năm tài chính 2023 của Hitachi là 65,2%, tăng từ 56,8% trong năm tài chính 2022.
Một số công ty đang nỗ lực không chỉ tăng số lượng nam giới nghỉ phép mà còn cả thời gian họ được nghỉ.
Nhà máy bia Sapporo đã giới thiệu một chương trình, trong đó những nhân viên đảm nhận công việc của những người nghỉ thai sản sẽ nhận được một khoản thưởng. Theo công ty, điều này nhằm giảm bớt nỗi áy náy của người nghỉ phép đối với các đồng nghiệp, đồng thời khuyến khích họ nghỉ dài hơn.
Tỷ lệ nghỉ chăm con nhỏ mới sinh trong ngành sản xuất chế tạo tại Nhật Bản vốn rất thấp. Theo một cuộc khảo sát của công ty nghiên cứu Persol Research and Consulting, tỷ lệ này vào năm 2023 là 21,3%, thấp hơn 0,8 điểm so với mức trung bình chung. Con số này cũng thấp hơn 15 điểm so với lĩnh vực tài chính, bảo hiểm và bất động sản.
Chính phủ Nhật Bản đã đặt mục tiêu nâng tỷ lệ người lao động nghỉ thai sản tại các công ty tư nhân lên 50% vào năm 2025. Từ tháng 4/2023, các công ty có hơn 1.000 nhân viên phải tiết lộ số liệu về việc người lao động nghỉ thai sản.
Đáp lại nỗ lực của chính phủ, tỷ lệ cho lao động nghỉ thai sản tại các nhà sản xuất lớn cuối cùng cũng đang tăng lên. Hãng tin Nikkei nhận thấy trong số 100 công ty nội địa lớn, tỷ lệ này là trên 50% ở khoảng 80% công ty trong năm tài chính 2023.
Song giới quan sát lưu ý vẫn cần theo dõi xem liệu xu hướng này có mở rộng sang các doanh nghiệp nhỏ hơn, vốn đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động hay không. Theo giới quan sát, nếu các công ty lớn của Nhật Bản thêm việc nghỉ phép của cha mẹ làm tiêu chí để lựa chọn nhà cung cấp, xu hướng này có thể lan rộng hơn.