Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar nhấn mạnh lập trường của New Delhi là "vấn đề quy chế cuối cùng cần được giải quyết thông qua đàm phán trực tiếp giữa hai bên và được cả hai bên chấp nhận".
Tương tự, Bộ Ngoại giao Pháp ra tuyên bố nhấn mạnh giải pháp hai nhà nước đối với cuộc xung đột Israel-Palestine. Tuyên bố cho biết thêm Chính phủ Pháp hoan nghênh những nỗ lực của Tổng thống Trump và sẽ nghiên cứu cẩn thận kế hoạch hòa bình mà ông đưa ra.
Chính phủ Qatar phản ứng thận trọng đối với kế hoạch hòa bình nói trên. Theo hãng thông tấn Qatar, vương quốc này "hoan nghênh tất cả những nỗ lực hướng tới hòa bình lâu dài tại những vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, cũng như đánh giá cao những nỗ lực của chính quyền Mỹ hiện nay nhằm tìm giải pháp cho cuộc xung đột Israel-Palestine". Qatar tái khẳng định cam kết ủng hộ các thể chế của Palestine, đồng thời cảnh báo hòa bình lâu dài không thể đạt được nếu quyền lợi của người Palestine không được đảm bảo.
Tương tự, Bộ Ngoại giao Bahrain bày tỏ "ủng hộ tất cả những nỗ lực hướng tới một giải pháp cân bằng và toàn diện về vấn đề Palestine", đồng thời hối thúc Palestine và Israel khởi động cuộc thương lượng trực tiếp.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Syria ra tuyên bố lên án kế hoạch hòa bình mà Tổng thống Trump vừa công bố, cho rằng điều này thể hiện “sự đầu hàng trước Israel” và "thù địch với thế giới Arab”.
Tổng thống Trump khẳng định kế hoạch hòa bình Trung Đông mà ông công bố là "một bước tiến lớn đối với hòa bình ở Trung Đông".
Theo nội dung của kế hoạch hòa bình này, nhà lãnh đạo Mỹ đề xuất giải pháp “hai nhà nước một cách thực tế” cho Israel và Palestine, theo đó thành lập Nhà nước Palestine với thủ đô là một số khu vực ở Đông Jerusalem, kèm theo một số điều kiện đối với phía Palestine, đồng thời, Jerusalem sẽ tiếp tục là "thủ đô không chia cắt và vô cùng quan trọng" của Israel.