Các nước tham gia JCPOA còn lại quyết tâm bảo vệ thỏa thuận hạt nhân

Ngày 21/12, ngoại trưởng Iran và các nước gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng Đức đã ra tuyên bố chung nhấn mạnh tầm quan trọng của tiến trình thực thi Nghị quyết số 2231 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhằm bảo vệ Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA - tên gọi chính thức của thỏa thuận hạt nhân năm 2015).

Chú thích ảnh
Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell phát biểu trong cuộc họp báo tại Brussels, Bỉ, ngày 20/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo hãng thông tấn chính thức của Iran IRNA, tuyên bố trên được đưa ra sau hội nghị trực tuyến không chính thức của các bên còn lại tham gia JCPOA, do Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell chủ trì, với sự tham gia của ngoại trưởng các nước tham gia ký kết thỏa thuận gồm Iran, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức. Mỹ không tham dự sự kiện do đã rút khỏi JCPOA.

Các ngoại trưởng đã khẳng định thỏa thuận hạt nhân, vốn được Nghị quyết 2231 của HĐBA LHQ công nhận, vẫn là một yếu tố chủ chốt của chương trình không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu và là một thành quả quan trọng của ngoại giao đa phương, góp phần củng cố an ninh khu vực và quốc tế. Các bên tham gia JCPOA cũng tái khẳng định cam kết bảo vệ thỏa thuận hạt nhân và nhấn mạnh những nỗ lực liên quan, đồng thời cho rằng việc các bên thực thi thỏa thuận một cách đầy đủ và hiệu quả vẫn đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Tuyên bố cũng khẳng định vai trò quan trọng của Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) là một tổ chức quốc tế công bằng và độc lập duy nhất được HĐBA LHQ ủy quyền giám sát và xác minh tiến trình thực thi các cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân trong khuôn khổ của JCPOA. Các ngoại trưởng cũng nhắc lại tầm quan trọng của việc tiếp tục hợp tác với IAEA. 

Ngoài ra, Iran và các nước bày tỏ lấy làm tiếc trước việc Mỹ rút khỏi JCPOA, nhấn mạnh rằng Nghị quyết 2231 vẫn có hiệu lực đầy đủ. Các ngoại trưởng cũng bày tỏ hy vọng Washington sẽ sớm tham gia trở lại văn kiện này. 

Trước đó, phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) cho rằng Mỹ nên quay trở lại JCPOA một cách vô điều kiện và sớm nhất có thể, đồng thời dỡ bỏ các lệnh cấm vận đối với Tehran cũng như các thực thể và cá nhân của bên thứ 3. Trên cơ sở Mỹ tham gia trở lại JCPOA, Iran cần khôi phục đầy đủ việc thực thi các cam kết hạt nhân của nước này. 

Cũng theo Bộ trưởng Vương Nghị, tình hình hạt nhân Iran đang đứng trước thời điểm quan trọng, khi Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden đã tuyên bố rằng nước này sẵn sàng quay trở lại JCPOA. Trong bối cảnh này, Bắc Kinh đưa ra 4 đề xuất liên quan đến vấn đề hạt nhân Iran gồm: kiên trì bảo vệ thỏa thuận; khuyến khích Mỹ sớm tham gia trở lại JCPOA; giải quyết các bất đồng một cách công bằng và khách quan trong tiến trình thực thi thỏa thuận; xử lý thỏa đáng các vấn đề an ninh khu vực.

Năm 2015, Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực HĐBA LHQ là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp cùng với Đức) đã ký với Iran thỏa thuận hạt nhân JCPOA nhằm ngăn chặn Tehran phát triển vũ khí hạt nhân đổi lấy sự nới lỏng trừng phạt, trong đó có việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí. Tuy nhiên, vào tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đơn phương rút khỏi thỏa thuận và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với quốc gia Trung Đông này, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế. Để đáp trả lại động thái này, kể từ tháng 5/2019, Iran đã dần từ bỏ các nghĩa vụ quan trọng trong thỏa thuận JCPOA. Mới đây nhất, Iran tuyên bố đang lên kế hoạch lắp đặt các máy ly tâm hiện đại tại cơ sở làm giàu urani chủ chốt của nước này ở Natanz. Động thái này đã đối mặt với sự chỉ trích của các nước Pháp, Đức và Anh, cho rằng điều này chỉ làm xói mòn thỏa thuận và làm mất đi những cơ hội cho tiến trình thực thi JCOPA mà các bên hy vọng có thể có trong năm 2021.

Tổng thống đắc cử Biden tuyên bố sẽ khôi phục đối thoại với Iran và một trong những bước đầu tiên nhằm xoa dịu căng thẳng với Tehran là tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân.

Thành Dương (TTXVN)
Các nước còn lại trong Nhóm P5+1 quyết tâm duy trì JCPOA
Các nước còn lại trong Nhóm P5+1 quyết tâm duy trì JCPOA

Ngày 1/9, trong cuộc họp đầu tiên tại thủ đô Vienna của Áo kể từ khi Mỹ tuyên bố nỗ lực khôi phục lệnh trừng phạt của LHQ đối với Iran, các đại diện của Tehran và các cường quốc trên thế giới (Nhóm P5+1 trừ Mỹ, gồm Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) đã nhất trí làm mọi điều có thể để duy trì thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015, có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN