Liên Hợp quốc:

Các nước nghèo bị bỏ lại phía sau trong quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19

Ngày 13/3, Liên hợp quốc (LHQ) cho biết thế giới đã trở lại mức độ phát triển như trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhưng chính sự phục hồi này lại khiến khoảng cách giữa các nước giàu và nghèo ngày một nới rộng.

Theo báo cáo mới đây nhất, Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) dự báo Chỉ số phát triển con người (HDI) trên toàn thế giới trong năm 2023 lên mức cao kỷ lục, trong bối cảnh các hạng mục đánh giá gồm tuổi thọ, giáo dục và chất lượng sống, đều có thể vượt mốc trước năm 2019. Trong hai năm 2021 và 2022, chỉ số này lần đầu tiên giảm 2 lần liên tiếp kể từ khi được đánh giá cách đây gần 35 năm, một phần nguyên nhân là do đại dịch COVID-19. 

Người đứng đầu UNDP Achim Steiner khẳng định: “Sau 2 năm thực sự đảo ngược sự phát triển con người toàn cầu do đại dịch và tất cả hậu quả liên quan, chúng tôi đã chứng kiến sự phục hồi”. 

Tuy nhiên, đằng sau những thông tin tích cực này là khoảng cách ngày một tăng giữa các nước giàu và nước nghèo. Ông Pedro Conceicao, người phụ trách báo cáo, nhấn mạnh thực trạng "những thành phần nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất trong xã hội chúng ta đang bị bỏ lại phía sau". Điều này đe dọa tới mục tiêu của UNDP vào năm 2030 về việc "không để ai bị bỏ lại phía sau". 

Cụ thể, báo cáo cho thấy Thụy Sĩ, Na Uy và Iceland vẫn là những nước đứng đầu bảng xếp hạng HDI, trong khi điểm số của các nước thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) quay lại mức của năm 2019. Các nước châu Phi gồm Somalia, Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi nằm ở cuối bảng xếp hạng HDI trong năm 2023. 

Trên thực tế, hơn 50% số nước được LHQ xếp vào danh sách các nước kém phát triển nhất vẫn chưa thể phục hồi sau những tác động của đại dịch COVID-19, đặc biệt là những quốc gia ở châu Phi.

Trong khi đó, một số nước như Sudan và Afghanistan cũng đang gặp nhiều khó khăn khi đại dịch, khủng hoảng kinh tế, tài chính và xung đột khiến các nước này rơi vào tình trạng không thể phục hồi. Đơn cử, tiến bộ phát triển con người của Afghanistan thụt lùi tới 10 năm, trong khi điểm số của Ukraine cũng ở mức thấp nhất kể từ năm 2004.

Người đứng đầu UNDP Steiner cho rằng thế giới đang “giàu có hơn bao giờ hết trong lịch sử loài người, ít nhất là về mặt tài chính”, tuy nhiên số lượng người nghèo, người đói lại tăng so với 10 năm trước, xung đột cũng không ngừng tăng, đẩy hàng chục triệu người phải sống trong cảnh tị nạn. Theo ông, thế giới đang không trở nên an toàn hơn mà thực sự "đang rủi ro hơn". Báo cáo cảnh báo khoảng cách ngày một nới rộng này sẽ gây nguy hiểm cho một thế giới ngày một chia rẽ. 

Báo cáo của UNDP còn nêu bật những thiếu sót trong hợp tác quốc tế nhằm giải quyết những thách thức nói trên. Ông Steiner kêu gọi hiện là thời điểm để tất cả các nước trên thế giới cần cùng nhau hành động, tăng cường chi tiêu các vấn đề gây rủi ro lớn nhất trong thế kỷ XXI như bất bình đẳng, biến đổi khí hậu, tội phạm mạng hay những đại dịch tiếp theo, thay vì dành quá nhiều ngân sách cho quốc phòng.

Linh Tô (TTXVN)
Thế giới chuyển mình sau 4 năm COVID-19
Thế giới chuyển mình sau 4 năm COVID-19

Ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức ghi nhận COVID-19 là một đại dịch. Sau 4 năm, người dân trên toàn thế giới đã quen với việc sống chung COVID-19 sau sợ hãi và bất an ở giai đoạn đầu. Giãn cách xã hội, vaccine, biến thể của virus SARS-CoV2… là những thứ không thể quên với nhiều người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN