Làm việc tại đại lý du lịch ở thành phố Đức Dương, tỉnh Tứ Xuyên, Zhao Ling đã tổ chức các chuyến du lịch trọn gói giá rẻ đưa khách du lịch đến các cửa hàng và nhà hàng có liên kết. Nhiều ý kiến chế giễu các gói du lịch trọn gói này là du lịch “không đồng” vì phần lớn số tiền đã được chi trước khi du khách rời Trung Quốc, chúng không đi vào nền kinh tế địa phương. Các nhà phê bình đổ lỗi cho các đại lý như Zhao vì đã làm quá tải các địa điểm nổi tiếng, từ Phuket (Thái Lan) đến Angkor Wat của Campuchia. “Tất nhiên họ không thích chúng tôi”, cô Zhao nói.
Theo dữ liệu của Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, người dân nước này đã trở thành động lực chính của ngành du lịch toàn cầu trong những năm gần đây. Họ thực hiện 155 triệu chuyến đi bên ngoài Trung Quốc đại lục vào năm 2019. Theo ngân hàng Natixis SA (Pháp), du khách Trung Quốc chiếm 16% chi tiêu du lịch toàn cầu trong năm 2019. Nhiều người trong số họ đi du lịch trọn gói, điều này giúp những du khách thiếu kinh nghiệm tránh được các vấn đề về ngôn ngữ và di chuyển.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều chỉ trích rằng sự phụ thuộc ngày càng tăng vào du khách Trung Quốc không xứng đáng với những gián đoạn mà nhóm chi tiêu thấp đã gây ra. Cuộc tranh luận sôi nổi giảm bớt đi khi Trung Quốc đóng cửa biên giới vào năm 2020 để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Trung Quốc từ ngày 6/2 đã bật đèn xanh với các nhóm khu khách đến 20 quốc gia, trong đó có Thái Lan. Với việc Trung Quốc hiện đang mở cửa trở lại, các quốc gia châu Á vốn dựa vào du lịch để tạo ra số lượng việc làm đáng kể giờ đây phải đối mặt với một lựa chọn: sau nhiều năm không có bất kỳ du khách Trung Quốc nào, liệu họ có đủ khả năng để không khuyến khích những du khách không đồng nào quay trở lại?
Paul Pruangkarn, chánh văn phòng Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương ở Bangkok (Thái Lan), cho biết: “Trong khi nhiều người trong ngành muốn du lịch bền vững, có trách nhiệm, thì những người khác lại cho rằng ‘chúng tôi chỉ cần khách du lịch quay trở lại, chúng tôi cần tiền’. Đó là cuộc giằng co đang diễn ra”.
Vấn đề này đặc biệt gây tranh cãi tại Thái Lan, nơi du khách Trung Quốc chiếm tới hơn 1/4 trong tổng số 40 triệu du khách nước ngoài đến nước này năm 2019. Chính phủ nước này đã đưa các nhà vận hành tour không đồng ra tòa án, cáo buộc họ tính phí quá cao và chuyển tiền vào các khách sạn, nhà hàng và cửa hàng ở Thái Lan do chủ sở hữu người Trung Quốc kiểm soát. Nhưng các tòa án đã tha bổng tất cả 13 bị cáo trong một loạt các phán quyết vào năm 2022.
Giờ đây, Thái Lan đang đặt mục tiêu phục hồi ngành du lịch của mình với kế hoạch 5 năm tập trung vào việc thu hút du khách cao cấp bằng cách quảng bá đất nước này như một điểm đến của sức khỏe và sắc đẹp. Mục tiêu là du lịch đóng góp ít nhất 25% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cao hơn gấp đôi so với mức năm 2022, với chi tiêu của khách du lịch tăng 5% mỗi năm.
Khi du lịch quốc tế dần phục hồi, các chính phủ ở châu Âu đã cố gắng tránh bị áp đảo bởi những du khách có mức chi tiêu thấp, những người có thể không mang lại đủ doanh thu để bù đắp chi phí dịch vụ dành cho họ. Barcelona - thành phố 1,6 triệu dân tại Tây Ban Nha từng đón khoảng 13 triệu du khách vào năm 2019 sẽ tăng thuế du lịch thêm 57% trong năm nay, lên 2,75 euro (2,95 USD) mỗi du khách/đêm. Venice (Italy), nơi có tới 20 triệu du khách mỗi năm, có kế hoạch thu phí từ 3 đến 10 euro đối với khách du lịch trong ngày vào thành phố bắt đầu từ năm tới. Ông Simone Venturini, thành viên hội đồng thành phố chia sẻ: “Mục đích của các biện pháp không phải là kiếm tiền mà là để bảo vệ Venice”.
Thái Lan cũng dự kiến tăng phí, nội các nước này vào hôm 14/2 đã ủng hộ kế hoạch tính phí 300 baht (8,9 USD) với du khách nước ngoài nhập cảnh. Số tiền này sẽ được dành cho phát triển các địa điểm thu hút du khách cũng như chương trình bảo hiểm trang trải chi phí y tế với du khách gặp vấn đề sức khỏe khi ở tại nước này. Nhưng chủ tịch Hiệp hội Hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp Thái Lan – ông Wirote Sitaprasertnand cho rằng diễn biến này nhiều khả năng không xử lý được những tour du lịch giá rẻ.
Chướng ngại gây giảm tốc đối với du lịch không đồng là thiếu các chuyến bay. Số các chuyến bay khởi hành từ Trung Quốc trong tháng 2 và tháng 3 ít hơn 20% so với mức trước đại dịch. Các tour không đồng cũng kém thu hút đối với tầng lớp trung lưu Trung Quốc đang đặt nhiều kỳ vọng vào kỳ nghỉ của họ, đặc biệt là sau nhiều năm không thể đi du lịch.
Bà Donna Wan (54 tuổi) tại Đông Hoản, tỉnh Quảng Đông cho biết: “Các tour du lịch giá rẻ thường sử dụng chuyến bay khởi hành vào đêm muộn và dành rất nhiều thời gian trên xe buýt. Chúng tôi vẫn muốn ngắm cảnh và chụp ảnh đẹp nhưng cần có cái gì đó linh hoạt và thư giãn”.