Các nước Arab lo ngại nổ ra xung đột mới trong khu vực

Tại kỳ họp Đại Hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) Khóa 75, ngày 23/9, lãnh đạo các nước Arab đã bày tỏ quan ngại về nguy cơ nổ ra một cuộc xung đột mới tại khu vực trong bối cảnh quan hệ giữa Iran và Mỹ leo thang căng thẳng.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh phiên thảo luận chung của Đại hội đồng LHQ khóa 75. Ảnh: UN/TTXVN phát

Trong video phát biểu gửi tới các nhà lãnh đạo thế giới, Tổng thống Iraq Barham Saleh khẳng định không muốn quốc gia vùng Vịnh này trở thành một "đấu trường" của các lực lượng bên ngoài. Ông nêu rõ người dân Iraq đã chứng kiến quá nhiều các cuộc tấn công và chiến tranh trên đất nước của mình. 

Cùng ngày, Quốc vương Saudi Arabia, Salman bin Abdulaziz, đã kêu gọi cần có giải pháp toàn diện cho vấn đề Iran và giải trừ vũ khí đối với lực lượng Hezbollah ở Liban, đồng thời tuyên bố ủng hộ Mỹ nỗ lực khởi động đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine.

Phát biểu trực tuyến trước ĐHĐ LHQ khóa 75, Quốc vương Abdulaziz cho rằng Iran đã lợi dụng thỏa thuận hạt nhân 2015 để tạo lập mạng lưới hoạt động khủng bố và kêu gọi cộng đồng quốc tế cần có giải pháp toàn diện cũng như cam kết vững chắc để giải quyết vấn đề này.

Đối với vấn đề Israel - Palestine, Quốc vương Saudi Arabia khẳng định sáng kiến hòa bình Arab được Saudi Arabia đưa ra năm 2002 là cơ sở để đạt được “giải pháp công bằng và toàn diện”, giúp cho người dân Palestine có được nhà nước độc lập, với thủ đô là Đông Jerusalem.

Về phần mình, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã chỉ trích Saudi Arabia với những thương vụ mua bán vũ khí của Mỹ để biến khu vực Trung Đông thành "thùng thuốc súng". Ông cũng nhấn mạnh Iran đang phải vật lộn với các biện pháp trừng phạt hà khắc nhất được áp đặt trong lịch sử, vi phạm rõ ràng Hiến chương LHQ và các thỏa thuận quốc tế.

Quan hệ giữa Mỹ và Iran đã leo thang căng thẳng trong hơn hai năm qua sau khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), ký giữa Iran và các cường quốc gồm Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran và Tehran cũng giảm bớt các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, trong đó có việc tăng giới hạn làm giàu urani. Mới đây nhất, ngày 21/9 vừa qua, Mỹ đã thông báo áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Bộ Quốc phòng Iran cũng như các cá nhân, thực thể khác liên quan tới chương trình vũ khí và hạt nhân của Tehran nhằm khẳng định tuyên bố trước đó của Mỹ rằng tất cả các lệnh trừng phạt của LHQ đối với Tehran đã được khôi phục, một động thái mà các đồng minh chủ chốt của Washington như các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) tranh cãi. Tuy nhiên, HĐBA LHQ đã bác bỏ việc chính quyền Mỹ cố tái áp đặt các biện pháp trừng phạt của LHQ đối với Iran.
Lan Phương (TTXVN)
Mỹ gia hạn miễn trừ để Iraq được nhập khẩu khí đốt từ Iran
Mỹ gia hạn miễn trừ để Iraq được nhập khẩu khí đốt từ Iran

Một quan chức Iraq ngày 23/9 cho biết Chính phủ Mỹ đã gia hạn 60 ngày miễn trừ cho Iraq không phải tuân thủ lệnh trừng phạt Iran, theo đó Iraq tiếp tục được nhập khẩu khí đốt của Iran để vận hành mạng lưới điện quốc gia. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN