Các nguồn năng lượng đang được tiêu thụ nhiều nhất ở châu Âu

Châu Âu đang chạy đua để tăng cường công suất năng lượng tái tạo, nhưng nhiều quốc gia vẫn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Chú thích ảnh
Đa số các nước châu Âu vẫn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Ảnh: AFP

Theo trang tin ZeroHedge.com ngày 16/10, phần lớn châu Âu đã tự đặt ra mục tiêu chuyển đổi từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nặng nề và hướng tới các nguồn năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra, dù có một số thay đổi về các loại năng lượng trên toàn khối, nhiên liệu hóa thạch vẫn là nguồn năng lượng mà lục địa này phụ thuộc vào nhiều nhất.

Mặc dù vậy, vẫn có một số ngoại lệ: Pháp, quốc gia nổi bật về việc sử dụng năng lượng hạt nhân và Đan Mạch, quốc gia chủ yếu dựa vào năng lượng tái tạo – đặc biệt là năng lượng gió.

Trong khi đó, Iceland, Na Uy và Thụy Điển là những quốc gia duy nhất ở châu Âu chủ yếu dựa vào thủy điện.

Ở Iceland và Na Uy, thủy điện chiếm hơn 60% nguồn cung cấp năng lượng của hai nước.

Dùng gỗ để vượt qua mùa Đông?

Theo Euronews, trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng trên toàn châu Âu, Trung tâm dự báo thời tiết châu Âu (Range Weather Forecasts), một cơ quan liên chính phủ độc lập, đã cảnh báo vào đầu tháng này rằng, EU đang hướng tới một mùa Đông khó khăn, mọi thứ càng trở nên tồi tệ hơn bởi một đợt lạnh dự kiến ​​trên khắp lục địa do tác động của La Nina, một hiện tượng thời tiết bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ lạnh hơn ở Thái Bình Dương.

Với dự báo về hóa đơn năng lượng tăng vọt, ngày càng nhiều người châu Âu chuyển sang dùng củi để sưởi ấm trong mùa Đông này. Điều này khiến giá củi đang leo thang và đặt ra các vấn đề môi trường lớn.

Các cơ quan chính phủ trên khắp châu Âu đã bày tỏ lo ngại về vấn đề khai thác gỗ trái phép. Chính phủ Hungary đã cấm xuất khẩu viên nén cho bếp sưởi (một loại gỗ mùn cưa dạng viên nén - pellet) và đưa ra các quy định về môi trường nhằm ngăn chặn việc khai thác gỗ trong các khu rừng được bảo vệ.

Theo Bloomberg, giá gỗ nén (cháy tốt hơn củi thông thường) đã tăng gần gấp đôi lên 600 euro/tấn ở Pháp.

Ở Bulgaria, nơi phụ thuộc nhiều vào việc củi đốt đối với hầu hết các hộ gia đình, giá cũng đã tăng gấp đôi lên gần 100 euro/mét khối. Ở Ba Lan được ghi nhận vào tháng trước giá củi đã tăng gấp đôi trong năm nay trong khi tờ Telegraph đưa tin vào tháng 8 rằng doanh số bán củi ở Anh đã tăng gấp 5 lần trong năm nay.

Vào tháng 7, EU cũng đã cấm nhập khẩu gỗ và viên nén của Nga, nhưng các nhà vận động cảnh báo rằng những người nghèo nhất sẽ chịu áp lực từ giá tăng vọt, đặc biệt là những người ở Trung và Đông Âu, nơi các hộ gia đình thu nhập thấp có xu hướng phụ thuộc nhiều hơn vào củi thay vì khí đốt.

Trong bối cảnh đổ xô đi tìm gỗ, vấn đề môi trường cũng được đặt ra. Một số nhà khoa học và nhà hoạt động từ lâu đã lập luận rằng đốt củi thải ra nhiều ô nhiễm carbon trên một đơn vị năng lượng hơn.

Ô nhiễm không khí từ nhiên liệu hóa thạch và đốt củi trong nhà gây ra 27 tỷ euro chi phí liên quan đến sức khỏe mỗi năm cho xã hội trên toàn EU và Anh, theo một nghiên cứu được công bố vào đầu năm nay của Liên minh Y tế Công cộng châu Âu.

Công Thuận/Báo Tin tức
Châu Âu vẫn âm thầm nhập khẩu năng lượng hạt nhân của Nga
Châu Âu vẫn âm thầm nhập khẩu năng lượng hạt nhân của Nga

Bất chấp 8 vòng trừng phạt, các chuyến hàng nhiên liệu hạt nhân từ Nga đến các nước thành viên EU vẫn tiếp tục diễn ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN