Theo mạng tin tức tài chính và kinh doanh CNBC mới đây, ngành công nghiệp nhiên liệu hạt nhân của Nga hiện vẫn chưa bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của châu Âu hơn 7 tháng sau cuộc xung đột ở Ukraine.
Bất chấp 8 vòng trừng phạt và lời kêu gọi từ Ukraine áp đặt lệnh cấm vận hoàn toàn đối với thương mại hạt nhân, các chuyến hàng nhiên liệu hạt nhân từ Nga đến các nước thành viên EU vẫn tiếp tục diễn ra.
Khi giới thiệu gói trừng phạt mới nhất của mình, Ủy ban châu Âu đã không đề xuất hạn chế hoạt động buôn bán nhiên liệu hạt nhân của Nga. Cơ quan này trước đây đã nhắm mục tiêu dầu mỏ, khí đốt và than đá của Nga như một phần của chiến lược rộng lớn hơn nhằm tăng áp lực kinh tế lên Điện Kremlin.
Ariadna Rodrigo, nhà quản lý tài chính bền vững của EU tại tổ chức môi trường Greenpeace, nói: “Nếu các chính phủ EU nghiêm túc về việc ngừng xung đột, họ cần đảm bảo sự độc lập đối với ngành công nghiệp hạt nhân châu Âu từ Nga và thay vào đó tập trung vào việc tăng tốc tiết kiệm năng lượng và năng lượng tái tạo”.
Theo bà Rodrigo, Hungary và Bulgaria đã lên tiếng mạnh mẽ nhất trong việc phản đối các lệnh trừng phạt đối với uranium và công nghệ hạt nhân khác của Nga. "Việc chúng ta không thảo luận về vấn đề này một cách chính đáng chỉ cho thấy các tiêu chuẩn kép của EU trong các lệnh trừng phạt", bà Rodrigo nói.
Ủy ban châu Âu đã nhiều lần phản đối chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, cáo buộc Moskva "sử dụng năng lượng như một loại vũ khí" để đẩy giá hàng hóa lên cao và gây ra sự bất ổn trên khắp EU. Moskva phủ nhận việc "vũ khí hóa" các nguồn cung năng lượng.
Một số lệnh cấm của EU đối với lĩnh vực năng lượng hạt nhân của Nga đang được áp dụng, chẳng hạn như lệnh cấm cập cảng đối với các tàu gắn cờ Nga để vận chuyển nhiên liệu hạt nhân, nhưng vẫn có nhiều kẽ hở và một số người cho rằng cần có các biện pháp cứng rắn hơn để giảm sự phụ thuộc của EU vào Nga trong lĩnh vực hạt nhân.
Vào tháng 4, một nghị quyết của Nghị viện châu Âu đã kêu gọi cấm vận “ngay lập tức” đối với việc nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân của Nga và kêu gọi các quốc gia thành viên ngừng hợp tác với tập đoàn hạt nhân khổng lồ Rosatom của Nga trong các dự án hiện có và mới.
Nhưng Nga là một quốc gia thống trị trên thị trường nhiên liệu hạt nhân toàn cầu và bất kỳ động thái nào nhằm phá vỡ sự phụ thuộc của EU vào Moskva có thể sẽ dẫn đến sự tổn thương, đặc biệt là với Rosatom, công ty mà châu Âu bị phụ thuộc rất lớn.
Rosatom không chỉ thống trị ngành công nghiệp hạt nhân dân sự mà còn phụ trách kho vũ khí hạt nhân của Nga và hiện đang giám sát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine.
Châu Âu hiện có 18 lò phản ứng hạt nhân của Nga, chủ yếu ở các nước như Phần Lan, Slovakia, Hungary, Bulgaria và CH Séc. Tất cả các lò phản ứng này đều dựa vào Rosatom để cung cấp nhiên liệu hạt nhân và các dịch vụ khác.
Nhấn mạnh tầm ảnh hưởng năng lượng hạt nhân của Nga ở một số quốc gia thành viên, cuối tháng 8, Hungary đã tuyên bố xây dựng thêm hai lò phản ứng hạt nhân mới với Rosatom.
Moskva chiếm gần 1/5 (19,7%) lượng uranium nhập khẩu của EU vào năm ngoái, theo dữ liệu mới nhất hiện có từ Euratom. Chỉ có Niger (24,3%) và Kazakhstan (23%) là những nhà cung cấp uranium lớn hơn cho khối.
EU đã chi khoảng 210 triệu euro để nhập khẩu uranium thô từ Nga vào năm ngoái, theo ước tính của Cơ quan điều tra châu Âu, và 245 triệu euro khác đã được trả để nhập khẩu uranium từ Kazakhstan, nơi vấn đề khai thác nhiên liệu hạt nhân được kiểm soát bởi Rosatom.