Kênh truyền hình RT đưa tin, phát biểu tại Ủy ban thứ nhất của Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 14/10, ông Konstantin Vorontsov, Phó trưởng phái đoàn ngoại giao Nga, đã bày tỏ lo ngại về khả năng khối quân sự Tổ chức Bắc Đại Tây Dương (NATO) di chuyển cơ sở hạ tầng hạt nhân đến gần biên giới Nga.
Nhà ngoại giao này lưu ý rằng Ba Lan gần đây đang cân nhắc tham gia toàn diện vào các sứ mệnh hạt nhân ở NATO, buộc Nga và Belarus phải đưa ra biện pháp đối phó. Và theo ông, các biện pháp đối phó trên - trong đó có chuyển giao hệ thống Iskander-M được trang bị tên lửa thông thường cho Belarus - hoàn toàn tuân thủ theo quy định của Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Ông Vorontsov cho biết một biện pháp khác là trang bị các phương tiện mang vũ khí hạt nhân cho một số máy bay Su-25 của Belarus. Tuy nhiên, vấn đề chuyển giao công nghệ cho phép trang bị vũ khí này không nằm trong chương trình.
Ông giải thích rằng Nga không có kế hoạch trang bị đầu đạn hạt nhân cho các hệ thống của Belarus, cũng như đưa đầu đạn đến lãnh thổ Belarus. Ông cũng nhấn mạnh rằng Moskva không có kế hoạch thiết lập các cơ sở dự trữ vũ khí hạt nhân ở Belarus.
Thay vào đó, Nga sẽ theo dõi chặt chẽ các chính sách của NATO, đặc biệt là sau khi Ba Lan đề nghị lưu trữ vũ khí hạt nhân của Mỹ trên lãnh thổ của mình.
Tháng 8 vừa qua, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko thông báo Minsk đã chuẩn bị xong một số máy bay quân sự để trang bị vũ khí hạt nhân. Nhà lãnh đạo Belarus đã yêu cầu Nga giúp đỡ về vấn đề này trong cuộc gặp với Tổng thống Vladimir Putin vào cuối tháng 6, khi ông bày tỏ lo ngại về việc Ba Lan yêu cầu Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên đất nước này.