Dựa trên khảo sát của OMFIF – một diễn đàn độc lập cho ngân hàng trung ương, chính sách kinh tế và đầu tư công - 14% ngân hàng trung ương có kế hoạch tăng nắm giữ đồng euro trong hai năm tới, đánh dấu nhu cầu cao nhất trong các loại tiền tệ.
Báo cáo của OMFIF cho biết: “Dường như lãi suất tăng ở châu Âu đang khiến các tài sản có thu nhập cố định tại châu lục này trở nên hấp dẫn hơn”.
Trong khi đó, 10% dự kiến sẽ tăng tỷ lệ nắm giữ đồng nhân dân tệ trong hai năm tới và 6% có kế hoạch tăng dự trữ đồng USD.
Tuy nhiên, về dài hạn có sự khác biệt. Khoảng 6% các ngân hàng trung ương có kế hoạch giảm nắm giữ đồng bạc xanh trong 10 năm tới, dẫn đầu là các ngân hàng trung ương Mỹ Latinh và châu Âu.
OMFIF dự đoán rằng dự trữ USD sẽ giảm từ 58% trên toàn thế giới xuống còn 54% trong thập niên này. Nhưng USD sẽ duy trì là đồng tiền dự trữ thống trị. Cũng trong 10 năm tới, 9% ngân hàng trung ương cho biết kế hoạch tăng tài sản dự trữ bằng đồng euro. OMFIF đánh giá điều này cho thấy euro có thể đóng vai trò chính trong việc đa dạng hóa trong tương lai.
Bà Alicia García Herrero tại Viện nghiên cứu Bruegel (Bỉ) phân tích: “Rõ ràng chúng ta đang hướng tới một thế giới đa phương hơn, thể hiện qua tỷ lệ dự trữ ngoại hối của đồng USD giảm”.
Trên toàn cầu, đồng USD được các nhà đầu tư coi là tài sản dự trữ an toàn, đặc biệt là trong các cuộc khủng hoảng kinh tế, do niềm tin cao vào nền kinh tế Mỹ. Sự đảm bảo đó thể hiện ở nhu cầu USD tăng lên vào những thời điểm khủng hoảng kinh tế. Nhưng nhu cầu đó cũng là nguyên nhân dẫn đến sự mất giá của hầu hết các loại tiền tệ so với USD vào năm 2022 khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát.
Trên cơ sở ròng, hơn 30% ngân hàng trung ương kỳ vọng sẽ đẩy mạnh tiếp cận với đồng nhân dân tệ trong cùng khoảng thời gian. OMFIF ước tính rằng tỷ lệ dự trữ toàn cầu của đồng nhân dân tệ sẽ tăng từ 3% năm 2023 lên 6% vào năm 2033.