IMF kêu gọi các ngân hàng trung ương duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ để giảm lạm phát

Ngày 8/6, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã kêu gọi Cục Dự trữ liên bang (Ngân hàng trung ương Mỹ - Fed) và các ngân hàng trung ương toàn cầu khác tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ và thận trọng chống lạm phát.

Chú thích ảnh
Biểu tượng IMF tại Washington, DC, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, người phát ngôn của IMF Julie Kozack cho biết đà lạm phát đã chậm lại ở Mỹ nhưng vẫn là mối lo ngại cấp bách. Nếu lạm phát dai dẳng hơn dự kiến, Fed có thể cần phải tăng lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn. Bà Kozack cho rằng Fed cần duy trì chính sách tiền tệ để đảm bảo lạm phát giảm bền vững và kỳ vọng lạm phát vẫn ổn định.

IMF cũng kêu gọi các ngân hàng trung ương khác tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát. Bà Kozack cho biết: “Chúng tôi nhận thấy những thách thức trong trung hạn đối với nền kinh tế toàn cầu và điều này đòi hỏi các biện pháp chính sách phải được thực hiện ngay bây giờ”. Bà nêu rõ IMF tin rằng các ngân hàng trung ương nên tiếp tục thắt chặt tiền tệ để giảm lạm phát một cách chắc chắn.

Vào tháng 4, IMF cảnh báo rằng các lỗ hổng hệ thống tài chính tiềm ẩn có thể bùng phát thành cuộc khủng hoảng mới và làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay, khiến dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2023 của tổ chức này thấp hơn. IMF dự báo mức tăng trưởng GDP toàn cầu thực tế là 2,8% vào năm 2023 và 3,0% vào năm 2024, tức thấp hơn 0,1% so với mức dự báo đưa ra vào tháng 1 cho mỗi năm. IMF dự kiến sẽ công bố Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới cập nhật vào ngày 25/7 tới.

Về chính sách lãi suất của Ngân hàng trung ương Canada công bố ngày 8/6, các chuyên gia kinh tế nước này nhận định quyết định tăng lãi suất cơ bản lên 4,75% của Ngân hàng trung ương nước này là tín hiệu cho thấy sẽ có thêm nhiều đợt tăng tiếp theo trong thời gian tới.

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, chuyên gia Earl Davis của Ngân hàng Montreal cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy Ngân hàng trung ương Canada sẽ có thêm các lần điều chỉnh tăng lãi suất. Việc tăng lãi suất xuất phát từ những đánh giá lạm phát có thể sẽ tăng trở lại và cần phải có sự điều chỉnh để ngăn chặn điều này. Ông Davis từng đưa ra dự đoán lãi suất cơ bản của Canada có thể tăng tới 5,5% vào cuối năm nay.

Nhà kinh tế Royce Mendes của Desjardins nhận định Ngân hàng trung ương Canada vẫn chưa thấy đủ hiệu quả trong việc ổn định về giá, do vậy, thể chế tài chính này có thể sẽ tiếp tục tăng thêm 25 điểm cơ bản nữa vào tháng tới, nâng lãi suất cơ bản lên tới 5%.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Steven Ranson của Ngân hàng Home Equity cho rằng khả năng lãi suất cơ bản sẽ tăng thêm 25 điểm cơ bản trong tháng 9/2023 nếu lạm phát không giảm. Việc đưa lạm phát về con số mục tiêu 2% là một thách thức và sẽ còn một chặng dài để đạt được điều đó.

Tuy nhiên, không phải chuyên gia nào cũng đánh giá rằng sẽ có thêm nhiều đợt tăng giá nữa. Người phụ trách bộ phận kinh tế của Tập đoàn Macquarie, David Doyle, nhận định việc tăng thêm lãi suất có thể còn phụ thuộc vào những dữ liệu thực tế.

Với lần tăng lãi suất gần đây nhất, Ngân hàng trung ương Canada đã đưa lãi suất cơ bản tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2001 và thực tế này sẽ khiến cuộc sống của những người vay thế chấp trở nên chật vật hơn bởi các khoản thanh toán tăng vọt.

Hồng Nguyên - Hà Linh (TTXVN)
Tân Thống đốc BOJ và những kỳ vọng mới trong chính sách tiền tệ của Nhật Bản
Tân Thống đốc BOJ và những kỳ vọng mới trong chính sách tiền tệ của Nhật Bản

Ngày 9/4, nhà kinh tế Kazuo Ueda đã được bổ nhiệm làm Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) với nhiệm kỳ 5 năm, kế nhiệm ông Haruhiko Kuroda. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN