Theo Responsible Statecraft, tạp chí trực tuyến của Viện Quincy, một tổ chức tư vấn tại Mỹ ngày 13/8, khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, cuộc xung đột đã và đang định hình lại bản đồ các hành lang vận tải Á - Âu nối Trung Quốc và châu Âu.
Đồng thời, nó thổi luồng sinh khí mới vào các tuyến đường dài cho phép hàng hóa đi qua vùng đất Á - Âu mà không cần đi qua lãnh thổ Nga. Cuộc xung đột cũng mở ra cơ hội cho sự kết nối rộng rãi hơn của Nga với các đối tác ở Trung Đông, Nam Á và Đông Nam Á.
Do đó, hội nghị thượng đỉnh vào tháng 9 tới của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Samarkand (Uzbekistan) có thể cung cấp nền tảng cho các tuyến đường thay thế mới. SCO - tổ chức bao gồm Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Pakistan, Kyrgyzstan, Uzbekistan, Kazakhstan và Tajikistan - chắc chắn sẽ thiết lập cơ sở cho việc mở rộng hành lang vận tải sang Trung Đông cũng như thỏa thuận về việc xây dựng một tuyến đường sắt Trung Á quan trọng.
Hội nghị thượng đỉnh dự kiến còn mở ra tư cách thành viên SCO của Iran vào thời điểm nước cộng hòa Hồi giáo này được hưởng lợi từ những thay đổi trong địa chính trị của giao thông Á - Âu. Hội nghị thượng đỉnh sẽ tiếp tục chào đón Saudi Arabia, Qatar, Ai Cập, Bahrain và Maldives với tư cách là các đối tác đối thoại, cùng Azerbaijan và Armenia với tư cách quan sát viên. Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) gần đây cũng bày tỏ sự quan tâm đến sự liên kết với nhóm này.
Các quan chức Kyrgyzstan cho biết, những nhà lãnh đạo của một số quốc gia Trung Á và Trung Quốc đã đồng ý ký một thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh để xây dựng một tuyến đường sắt Trung Quốc - Kyrgyzstan - Uzbekistan dài hơn 500 km vốn "đã nằm trên bản vẽ trong 25 năm". Tuyến đường sắt sẽ nối ba quốc gia này với Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, cùng khu vực Trung và Đông Âu.
Thiếu ý chí chính trị cùng với những trở ngại về hậu cần và kỹ thuật, đặc biệt là ở khu vực miền núi Kyrgyzstan, cùng chi phí cao gây ra sự chậm trễ của tuyến đường sắt trên, nhưng giờ đây dường như chúng được coi là ít vấn đề hơn do hậu quả của xung đột Nga - Ukraine.
Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev cho rằng tuyến đường sắt này sẽ “mở ra cơ hội mới cho các hành lang vận tải nối khu vực với các thị trường ở Thái Bình Dương. Động thái này sẽ bổ sung vào việc mở rộng các tuyến đường sắt hiện có kết nối Đông với Tây ”.
Uzbekistan từ lâu đã khẳng định rằng tuyến đường sắt này sẽ là tuyến đường ngắn nhất từ Trung Quốc đến các thị trường ở Trung Đông và châu Âu, trong khi Trung Quốc coi đây là một cách để tránh nguy cơ vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu do việc tiếp tục vận chuyển qua Nga gây ra.
Tuyến đường sắt mới cũng sẽ tích hợp vào tuyến đường sắt nối Uzbekistan với Cảng biển Quốc tế Turkmenbashi của Turkmenistan trên Biển Caspi. Từ đó, nó có thể liên kết với vùng Caucasus, Thổ Nhĩ Kỳ và Biển Đen thông qua cảng Baku của Azerbaijan hoặc Iran, Ấn Độ, Vùng Vịnh và Đông Phi thông qua Hành lang Vận tải Quốc tế Bắc - Nam (INSTC).
Vào tháng 7, cảng Baku đã đồng ý để tập đoàn Albayrak của Thổ Nhĩ Kỳ, có quan hệ mật thiết với Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, quản lý cơ sở này, mở rộng năng lực xếp dỡ hàng hóa và xây dựng một nhà ga vận chuyển.
INSTC, một tổ hợp dài 7.200 km gồm các tuyến đường sắt, đường cao tốc và hàng hải hoạt động độc lập, cũng cung cấp một hành lang về phía bắc tới Kazakhstan và Nga. Sự kết nối có thể có tầm quan trọng đối với Kazakhstan, nước vốn phụ thuộc vào nhập khẩu thực phẩm, phân bón, hóa dầu và sắt của Nga.
Mặt khác, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đã thăm dò chuyển hướng xuất khẩu dầu của nước này sang châu Âu từ đi qua Nga sang chảy qua Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Thêm vào đó, Kazakhstan cũng không né tránh việc tìm cách biến các biện pháp trừng phạt chống Nga thành lợi thế cho mình, bao gồm cả việc đưa ra giải pháp thay thế các doanh nghiệp phương Tây rời bỏ Nga.
Đầu năm nay, Iran và Qatar đã công bố mở các tuyến vận tải hàng hải giữa hai nước như một phần của INSTC. Tương tự, Tổ chức Hàng hải và Cảng của Iran (PMO) đã công bố khai trương các tuyến tàu biển giữa cảng Chabahar của Iran và cảng Jebel Ali ở Dubai, UAE.
Về phần mình, các nhà phân tích Trung Quốc kỳ vọng rằng tuyến đường sắt, bắt đầu ở Kashgar, sẽ giúp chuyển đổi nền kinh tế của Tân Cương, tỉnh Tây Bắc gặp khó khăn của Trung Quốc.
Tuy nhiên, các động thái nhằm củng cố Trung Á như một nút quan trọng trên các hành lang giao thông Đông - Tây và Bắc - Nam diễn ra trong bối cảnh sự bất bình của công chúng trong khu vực ngày càng gia tăng và hoạt động thánh chiến đang lan rộng.
Vào tháng 1, Kazakhstan đã mời Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga đứng đầu giúp khôi phục lại trật tự trong bối cảnh các cuộc biểu tình chống chính phủ hàng loạt. 6 tháng sau, các cuộc biểu tình ở khu vực tự trị Karakalpakstan của Uzbekistan trở nên bạo lực hơn.
Trong khi đó, các chiến binh Nhà nước Hồi giáo hoạt động từ Afghanistan tuyên bố sẽ tiến hành một cuộc thánh chiến trong khu vực mà ban đầu sẽ nhắm vào Uzbekistan và Tajikistan. Các chiến binh Nhà nước Hồi giáo đã ca ngợi các cuộc tấn công bằng tên lửa trong những tháng gần đây nhằm vào các mục tiêu ở hai quốc gia là "cuộc thánh chiến vĩ đại ở Trung Á" nhằm thống nhất 5 nước cộng hòa Trung Á thuộc Liên Xô cũ với Afghanistan, Pakistan và Ấn Độ.
Một báo cáo của Liên hợp quốc hồi tháng 7 cảnh báo rằng các thành viên của Phong trào Hồi giáo Đông Turkistan, một nhóm thánh chiến người Duy Ngô Nhĩ từng gây ra các vụ thảm sát ở Syria, đã gia nhập nhóm Nhà nước Hồi giáo vì các thủ lĩnh Taliban của Afghanistan ngăn cản họ tiến hành các cuộc tấn công xuyên biên giới ở Tân Cương.