Các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc đối phó với virus Corona

Dịch bệnh viêm phổi do chủng mới (2019-nCoV) hoành hành tại Trung Quốc đã khiến ít nhất 213 người tử vong và 9.692 trường hợp xác nhận nhiễm bệnh tính đến ngày 31/1.

Chú thích ảnh
Đeo khẩu trang phòng lây nhiễm virus corona tại Hong Kong, Trung Quốc, ngày 27/1. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhà chức trách Trung Quốc quyết định kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sang tuần tới buộc nhiều nhà máy và văn phòng phải tạm thời đóng cửa lâu hơn dự kiến. Tình hình dịch bệnh bùng phát tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và cũng là nước có vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang ảnh hưởng xấu đến nhiều doanh nghiệp nước ngoài trong nhiều lĩnh vực. Trong bối cảnh đó, các công ty đang đưa ra những biện pháp quyết liệt nhằm phòng ngừa dịch bệnh. 

Ngành du lịch gần như là "nạn nhân" ảnh hưởng trực tiếp do chính quyền Trung Quốc thông báo phong tỏa nhiều thành phố và cấm các tour du lịch ra nước ngoài nhằm khống chế dịch bệnh. Do lo ngại virus 2019-nCoV lây lan, những nước khác khuyến cáo các công dân tránh đi đến Trung Quốc. Nhiều hãng hàng không lớn trên thế giới như AirAsia, Cathay Pacific, Air Indian, Air France, American Airlines, British Airways… thông báo tạm dừng các chuyến bay đến Trung Quốc. Một số công ty vận tải, trong đó có Royal Caribbean, MSC Cruises, Costa Cruises, tạm ngừng cung cấp các dịch vụ tàu du lịch đến và đi từ quốc gia châu Á này.  

Bên cạnh đó, nhiều cửa hàng, siêu thị, công viên giải trí và điểm du lịch tại Trung Quốc buộc phải đóng cửa. Các rạp chiếu phim khắp nước này cũng phải dừng hoạt động vào đúng thời điểm ra mắt các "bom tấn" trong kỳ nghỉ Tết nguyên đán. Giới chuyên gia ước tính doanh thu phòng vé của công ty sản xuất phim điện ảnh Imax (Canada) có thể giảm 60 – 200 triệu USD.

Ở lĩnh vực chế tạo linh kiện điện tử, đại gia công nghệ Đài Loan (Trung Quốc) Foxconn quyết định đóng cửa các nhà máy của hãng tại Trung Quốc đến giữa tháng 2 tới và sẽ cho phép các nhân viên trở lại làm việc muộn hơn so với lịch nghỉ Tết Nguyên đán. Động thái này có nguy cơ tác động đến các công ty công nghệ toàn cầu phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Foxconn để chế tạo mọi thiết bị từ iPhones của Apple đến tivi màn hình phẳng và máy tính xách tay. Về phần mình, hãng Apple đang lên kế hoạch giảm nhẹ mọi thiệt hại do các nhà cung ứng như Foxconn tại Trung Quốc gián đoạn hoạt động sản xuất.

Thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc (miền Trung Trung Quốc), nơi khởi phát dịch viêm phổi cấp do virus 2019-nCoV gây ra, là một trung tâm của các hãng chế tạo ô tô nước ngoài. Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán chưa tác động ngay lập tức đến hoạt động chế tạo ô tô, song giới phân tích ngày càng lo ngại về ảnh hưởng trong dài hạn, trong đó tác động đến các nhà cung cấp ô tô trên toàn Trung Quốc. Các tập đoàn General Motors, Fiat Chrysler và Ford Motor khuyến cáo nhân viên hạn chế đi lại. Một số tập đoàn như Nissan đang tiến hành sơ tán các nhân viên khỏi Vũ Hán. Trong khi đó, các hãng PSA, Renault và Honda thông báo đang theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh.  

Về lĩnh vực sản xuất đồ uống và thực phẩm, Trung Quốc Đại lục là thị trường lớn thứ hai của chuỗi cửa hàng cà phê Mỹ Starbucks. Ban lãnh đạo tập đoàn đã quyết định đóng cửa hơn 50% trong số hơn 4.000 quán cà phê Starbucks tại nước này do virus 2019-nCoV. Tập đoàn kinh doanh hệ thống nhà hàng thức ăn nhanh McDonald's cũng vừa đóng cửa vài trăm cửa hàng tại tỉnh Hồ Bắc. Những cửa hàng khác của Pizza Hut và KFC tại vùng tâm dịch cũng chịu cảnh đóng cửa tương tự.

Nguyễn Hằng (TTXVN)
Dân chúng Hàn Quốc phản đối cách thức chính phủ lập trung tâm kiểm dịch virus Corona
Dân chúng Hàn Quốc phản đối cách thức chính phủ lập trung tâm kiểm dịch virus Corona

Nhiều người Hàn Quốc phản đối cách chính phủ mở trung tâm kiểm dịch virus Corona tại Asan và Jincheon đã ném trứng và la ó các quan chức nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN