Năm nay là một năm người dân Trung Quốc, đặc biệt là những người sống ở Vũ Hán và nhiều thành phố khác của tỉnh Hồ Bắc, gần như mất ăn Tết. Đúng ngày 29 Tết (tức 23/1), thành phố 11 triệu dân ở miền Trung Trung Quốc này đã bị phong tỏa khi dịch viêm đường hô hấp cấp do một chủng virus Corona mới, chưa từng được biết đến, bắt đầu lan tràn. Vũ Hán từ một trung tâm công nghiệp sầm uất, giao thông nhộn nhịp chỉ trong vài ngày biến thành một “thành phố ma”, hầu như không bóng người trên các đường phố. Nơi ồn ào nhất tại đây, trớ trêu thay lại là các bệnh viện đang quá tải bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm virus Corona.
Quyết định phong tỏa Vũ Hán và 16 thành phố khác với gần 60 triệu dân ở khu vực tỉnh Hồ Bắc, tạo ra một khu vực cách ly lớn nhất trong lịch sử thế giới hiện đại - là một quyết định cần thiết và đúng đắn của nhà chức trách Trung Quốc. Virus Corona (CoV) là một họ virus lớn có thể gây bệnh từ cảm lạnh thông thường đến các bệnh nặng hơn, như Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-CoV) và Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS-CoV). Còn “virus Vũ Hán” - có tên 2019-nCoV - là một chủng Corona mới, trước đây chưa từng thấy ở người. Giống như SARS và MERS, virus này khởi phát từ động vật, lây sang người, và sau đó chúng nhanh chóng lây lan từ người sang người với tốc độ nhanh hơn nhiều so với SARS mặc dù độc lực được cho là kém hơn.
Tính đến ngày 30/1, virus 2019-nCoV đã làm ít nhất 213 người thiệt mạng và trên 8.100 ca nhiễm bệnh tại Trung Quốc đại lục. Bất chấp các biện pháp cách ly, kiểm soát và phòng ngừa, chủng virus này đã vượt ra rất xa biên giới Trung Quốc, làm lây nhiễm tại trên 20 quốc gia và vùng lãnh thổ khác trên thế giới. Với dịch SARS năm 2002-2003, phải mất gần 4 tháng để SARS lây nhiễm 1.000 người, trong khi virus "Corona Vũ Hán" đã lây nhiễm hơn 4.500 người chỉ sau một tháng. Ngày 30/1, Tổ chức Y tế Thế giới, (WHO) sau những ngày chần chừ, đã quyết định tuyên bố dịch virus Corona Vũ Hán là tình trạng khẩn cấp toàn cầu. “Mối lo ngại lớn nhất của chúng tôi là virus sẽ lan tới những quốc gia có hệ thống chăm sóc sức khỏe kém hơn. Chúng ta phải cùng nhau hành động ngay lúc này để hạn chế sự lây lan hơn nữa… Chúng ta chỉ có thể ngăn chặn nó khi cùng hành động”, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi. Đây là lần thứ 6 WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.
Nhưng với con số người nhiễm bệnh và các ca tử vong tăng nhanh chóng thì lần này dịch “Corona Vũ Hán” đang gây ra một cơn hoảng loạn thực sự tại Trung Quốc, cũng như một làn sóng hoang mang, lo lắng ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là những nước láng giềng như Việt Nam, Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản... Khẩu trang “cháy hàng” ở các tiệm thuốc, khiến người dân thậm chí phải dùng đến những biện pháp hài hước để bảo vệ bản thân như dùng túi nilon hoặc xô, bình nhựa đội lên đầu để phòng bệnh. Nhiều hãng hàng không ngừng bay tới Trung Quốc, và xuất hiện tình trạng người Trung Quốc bị kỳ thị khi xuất hiện ở các nước khác.
Những phản ứng hoảng sợ là khó tránh khỏi, bởi con người thường có xu hướng sợ hãi những mối đe dọa mới, hơn là những mối đe dọa đã quen thuộc với họ. Tuy nhiên, giống như trong một trận đánh vậy, chúng ta cần hiểu rõ kẻ thù và bình tĩnh đối phó bằng các biện pháp một cách đồng loạt, khoa học và chặt chẽ. Với kẻ thù 2019-nCoV, chỉ sau 10 ngày kể từ khi ca nhiễm bệnh đầu tiên được phát hiện, các nhà khoa học đã giải mã được toàn bộ hệ gien của chủng virus này. Tiếp đó là một cuộc chạy đua khẩn trương của các hãng dược phẩm nhằm điều chế ra thuốc đặc trị và vaccine phòng bệnh. Trong lúc người dân ở các vùng dịch đang hoảng loạn trước loại virus chết chóc, thì các chuyên gia y tế cho rằng độc lực của 2019-nCoV không cao bằng SARS. Cho đến nay, số người tử vong vì nhiễm virus này chủ yếu là người đã mắc các bệnh khác từ trước và người cao tuổi, những đối tượng có hệ miễn dịch yếu hơn. WHO ước tính tỉ lệ tử vong (CFR) của bệnh nhân SARS dao động từ 14 đến 15%, của Hội chứng Hô hấp Trung Đông (MERS-CoV) lên tới 35%. Nhưng theo GS.TS Sazaly Abu Bakar, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục bệnh truyền nhiễm Đại học Malaya (Malaysia), tỉ lệ tử vong của virus 2019-nCoV tương đối thấp, chỉ hơn 3%, và hầu hết bệnh nhân nhiễm virus sẽ hồi phục hoàn toàn. Các chuyên gia nhận định dịch có thể lên tới đỉnh điểm trong vài tuần tới trước khi dịu đi vào khoảng tháng 4, tháng 5, khi thời tiết ấm lên, không còn là môi trường thuận lợi cho 2019-nCoV phát triển.
Tuy vậy, virus “Corona Vũ Hán" đang lây lan rất nhanh trước cả khi các triệu chứng xuất hiện, với tốc độ nhanh hơn nhiều so với dịch SARS, nên mọi cộng đồng ở khắp nơi trên thế giới đều không được lơ là các biện pháp phòng ngừa. Tại Việt Nam, tới ngày 30/1 đã phát hiện thêm 3 trường hợp dương tính với virus Corona chủng mới, nâng tổng số ca nhiễm bệnh được phát hiện tại nước ta lên 5 người. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, tại cuộc họp ngày 30/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, phải bảo đảm tính mạng, sức khỏe của người dân, không để dịch lây lan, hạn chế tối đa trường hợp tử vong. Toàn bộ hệ thống chính trị phải vào cuộc, các bộ trưởng, chủ tịch các tỉnh, thành phố phải chủ động các phương án kiểm soát, đề ra các biện pháp trên cơ sở tham mưu của ngành y tế. Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương phải tiến hành các biện pháp cần thiết để ngăn chặn hiệu quả dịch 2019-nCoV lây nhiễm qua khách du lịch, hay qua các hoạt động giao thương tại khu vực cửa khẩu; ngành y tế cần xây dựng kịch bản phòng, chống chi tiết hơn nữa trong từng tình huống cụ thể…
Chống dịch Corona chủng mới cần bắt đầu từ những hành động nhỏ của mỗi cá nhân như đeo khẩu trang, vệ sinh tay, hạn chế tụ tập đông người, cho tới những biện pháp phòng, chống dịch ở tầm vĩ mô như kiểm soát lây nhiễm ở các cửa khẩu, cách ly và điều trị người nhiễm virus, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh, kiểm dịch động vật, cho đến công tác tuyên truyền để người dân hiểu đúng và có biện pháp phòng ngừa đúng, không gây hoang mang trong cộng đồng. Nếu như toàn bộ cộng đồng đều có ý thức phòng tránh, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng sẽ kiềm chế được sự lây lan và tấn công của một “kẻ giặc” mà ta đã hiểu những đặc điểm và tính chất hoạt động của chúng.
Việc liên tiếp các chủng virus mới xuất hiện và phát tác cho thấy, ngay cả khi loài người đã đạt được rất nhiều tiến bộ về khoa học, công nghệ, y tế thì chúng ta cũng chưa bao giờ được phép chủ quan và lơ là trước những mầm mống dù nhỏ nhất đe dọa sức khỏe và mạng sống con người.