Rạng sáng 31/1 (theo giờ Việt Nam), tại cuộc họp kín của Ủy ban khẩn cấp Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ở Geneva (Thụy Sĩ), Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) vì dịch viêm đường hô hấp chết người do chủng mới của virus Corona (2019nCoV) gây ra.
Theo Bloomberg, tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu của WHO sẽ được gửi cho các nước thành viên Liên hợp quốc (LHQ) mà WHO đánh giá đang có tình trạng nghiêm trọng. Các nước này sẽ cân nhắc quyết định có đóng cửa biên giới, hủy bay, khám người tại sân bay và các biện pháp khác hay không.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có một số nước như Nga, Mông Cổ, Triều Tiên... quyết định đóng cửa biên giới với Trung Quốc. Trong khi đó, các quốc gia Trung Á cũng thông báo ngưng miễn thị thực 72 giờ đối với hành khách quá cảnh từ Trung Quốc. Rất nhiều công ty quốc tế có văn phòng tại Trung Quốc đã yêu cầu nhân viên nghỉ ở nhà. Một số quốc gia bắt đầu sơ tán công dân ra khỏi vùng tâm dịch – thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc).
Rõ ràng, việc đảm bảo sức khỏe cộng đồng đang là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, làm thế nào để thực hiện việc đó mà không có những hành động phân biệt đối xử đối với toàn bộ người của một quốc gia – nơi 1/5 dân số thế giới sinh sống - là một thách thức không nhỏ. Tính tới sáng 31/1, với số người tử vong lên tới 213 và số ca nhiễm virus là 9.692 trường hợp, nỗi lo đang ngày một lan rộng.
Mặc dù phần lớn các ca nhiễm bệnh đều là bệnh nhân đến từ miền Trung Trung Quốc hoặc các thành phố lân cận, hoặc những người có tiếp xúc với họ, song những người có ngoại hình châu Á trên toàn thế giới đều cho biết họ đang phải đối mặt với thái độ e ngại, trong bối cảnh bùng phát bệnh dịch. Thậm chí trong một số trường hợp, thái độ còn tiêu cực hơn dẫn tới hành động tẩy chay.
Tại Hàn Quốc, các biển hiệu lần lượt xuất hiện trên các tấm cửa sổ nhà hàng với dòng chữ “Không đón tiếp người Trung Quốc’. Một casino ở Hàn Quốc chuyên đón tiếp người nước ngoài cũng cho hay cơ sở không tiếp nhận các nhóm du khách Trung Quốc. Hơn nửa triệu người đã tham gia ký bản kiến nghị gửi lên chính phủ kêu gọi một lệnh cấm du khách đến từ quốc gia 1,4 tỷ dân này.
Chia sẻ một đoạn ghi âm trên trang mạng Weibo, một người phụ nữ Trung Quốc đi du lịch thành phố Ito (Nhật Bản) cho biết cô đã bị nhân viên quán hét lên: “Người Trung Quốc! Ra ngoài”. Người nhân viên đó tuyên bố từ chối đón tiếp khách hàng Trung Quốc và Đông Nam Á do chủ cửa hàng lo ngại virus Corona.
Không chỉ tại châu Á, một số quốc gia phương Tây như Pháp, Đan Mạch cũng đã có một vài phản ứng gây tranh cãi khi đề cập đến chủng virus có nguồn gốc từ Vũ Hán. Một tờ báo địa phương ở Pháp có tên Courrier Picard đã khiến cộng đồng phẫn nộ với dòng tiêu đề “Cảnh báo Vàng” ngay trên trang nhất của báo viết về virus Corona. Tòa soạn đã phải lên tiếng xin lỗi độc giả, vì cách dùng ví von giống từ “Nguy hiểm Vàng” ám chỉ người Đông Á hồi thế kỷ 19.
Tại Đan Mạch, Đại sứ quán Trung Quốc cũng yêu cầu báo địa phương Jyllands-Posten xin lỗi vì bức tranh biếm họa vẽ quốc kỳ Trung Quốc in trên đó là biểu tượng virus thay vì các ngôi sao trên nền cờ đỏ như thường thấy.
“Tôi thấy tức giận và buồn vì những hành động xúc phạm người dân, quốc kỳ của chúng tôi”, ông John liu – Tổng Thư ký Phòng Thương mại Trung Quốc tại Đan Mạch – bày tỏ trên một cuộc phỏng vấn truyền hình.
Tại Australia, đội bóng đã nữ Trung Quốc và đội ngũ nhân viên hỗ trợ cũng đã phải cách ly chỉ trong khách sạn khi tới đây tham dự trận đấu vòng loại Olympic.
Không chỉ người Trung Quốc, những người có gốc gác Trung Quốc cũng bị nhận nhiều phản ứng tiêu cực. Ở Sri Lanka, một nhóm du khách Singapore bị cấm không được leo lên điểm du lịch núi Ella vì mang ngoại hình châu Á. Theo ông Tucker Chang (66 tuổi) thành viên trong đoàn, không ai trong nhóm đi du lịch tới Trung Quốc trong khoảng thời gian gần đây.
Đối với các chương trình trao đổi học sinh, các nước như Pháp, Canada đã triển khai một vài biện pháp phòng ngừa sinh viên Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Pháp khuyến cáo các trường học và đại học ngưng nhận sinh viên Trung Quốc. Ít nhất một trường trung học phổ thông tại Paris đã từ chối thư mời một nhóm học sinh Trung Quốc dự kiến đến trong tuần này.
Trong khi đó, các bậc phụ huynh tại cộng đồng phía Bắc Toronto cùng ký một đơn kiến nghị yêu cầu nhà trường ra chỉ thị cấm túc học sinh vừa trở về từ Trung Quốc ít nhất 17 ngày để tránh lây lan bệnh dịch. Bản kiến nghị đã thu hút được gần 10.000 chữ ký.
Trước phản ứng mạnh mẽ từ phụ huynh, Chủ tịch hội đồng trường York Juanita Nathan và Giám đốc giáo dục Louise Sirisko đã viết thư gửi tới các bậc cha mẹ, giải thích rõ những yêu cầu như vậy chỉ càng đẩy những định kiến và vấn nạn kỳ thị, phân biệt đối xử thêm nghiêm trọng.
Trong diễn biến liên quan, ngày 31/1, nhà chức trách Trung Quốc thông báo nước này sẽ mở các chuyến bay đặc biệt để đưa người dân từ tỉnh Hồ Bắc đang ở nước ngoài trở về. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết Chính phủ Trung Quốc sẽ điều các máy bay thương mại đặc biệt tới các nước để đưa người dân tỉnh Hồ Bắc, đặc biệt là cư dân thành phố Vũ Hán, trở về nước sau khi tính tới những khó khăn mà họ đang phải đối mặt ở nước ngoài.