Các đảng phái tại Anh khởi động chiến dịch vận động bầu cử 

Ngày 31/10, Thủ tướng Anh Boris Johnson, lãnh đạo đảng cầm quyền, cùng lãnh đạo của các đảng phái chính trị tại Anh bắt đầu triển khai chiến dịch vận động bầu cử trên toàn quốc trước thềm cuộc tổng tuyển cử vào ngày 12/12 tới.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu trong phiên họp Hạ viện tại London ngày 29/10/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Trong ngày mà nước Anh lẽ ra chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) sau 2 lần gia hạn, thay vì tất bật chuẩn bị cho Brexit thì các lãnh đạo của đảng Bảo thủ, Công đảng đối lập và nhiều đảng chính trị khác lại chuẩn bị đi tới các địa phương để vận động cho cuộc tổng tuyển cử được cho là khó dự đoán nhất từ trước tới nay.

Trong chiến dịch tranh cử của mình, đương kim Thủ tướng Johnson, người đang lãnh đạo một chính phủ thiểu số, sẽ "chĩa mũi giáo" vào kế hoạch của đối thủ đại diện Công đảng Jeremy Corbyn tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân mới về Brexit hay về vấn đề độc lập cho vùng Scotland.

Ông Johnson gọi đây là một kế hoạch đe dọa tương lai quốc gia. Trong khi đó, ông Corbyn, lãnh đạo phe xã hội, gọi cuộc tổng tuyển cử lần này là "cơ hội chỉ có một trong đời" để nước Anh thoát khỏi sự điều hành của phe bảo thủ và tái thiết đất nước với "sự thay đổi thực chất".

Lãnh đạo một chính phủ thiểu số và từng chứng kiến người tiền nhiệm Theresa May từ chức vì không nhận được sự ủng hộ tại quốc hội, ông Johnson đánh cược cả "giấc mơ Brexit" và sự nghiệp chính trị vào cuộc bầu cử lần này.

Trong ngày 31/10, ông sẽ tới thăm một trường học, một bệnh viện và một đơn vị cảnh sát, thuyết phục các cử tri bỏ phiếu cho đảng Bảo thủ để tiến trình Brexit kết thúc, chấm dứt tình trạng trì hoãn gây ra bất ổn cho từng gia đình và doanh nghiệp như hiện nay. 

Đây là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên tổ chức đúng dịp Giáng sinh tại Anh từ năm 1923 sau khi Thủ tướng Johnson không thể thực hiện cam kết hoàn tất Brexit đúng ngày 31/10.

Cuộc tổng tuyển cử này cũng là một trong những cuộc đua khắc nghiệt nhất trong nhiều năm qua tại Anh khi Brexit gây chia rẽ sâu sắc trong xã hội và bào mòn đáng kể sự trung thành của người dân với hai đảng lớn nhất là Bảo thủ và Công đảng.

Với ông Johnson, đây thực sự là canh bạc lớn nhất mà ông buộc phải thắng để duy trì sự nghiệp của bản thân cũng như sự hưng thịnh của phe Bảo thủ.

Năm 2017, khi mới lên lãnh đạo đất nước, cựu Thủ tướng Theresa May cũng đi nước cờ tương tự, tổ chức bầu cử sớm để củng cố tiếng nói của chính phủ trong quốc hội. Nhưng kết quả bỏ phiếu không như dự tính khiến bà May phải tìm kiếm sự ủng hộ từ đảng Hợp nhất dân chủ (DUP) ở Bắc Ireland để chính phủ có được thế đa số trong quốc hội. Và cuối cùng bà vẫn phải từ bỏ ghế thủ tướng vì không thể huy động sự ủng hộ của quốc hội với kế hoạch Brexit của mình.

Các cuộc khảo sát tiến hành trong tháng vừa qua đều cho thấy đảng Bảo thủ cầm quyền đang dẫn trước Công đảng khoảng 10 điểm %, qua đó thể hiện nhiều khả năng đảng cầm quyền sẽ giành thế đa số. Tuy nhiên, các công ty khảo sát cũng thừa nhận các mô hình dự đoán của họ chưa phải là hoàn hảo và vẫn có xác suất sai lệch đáng kể.

Lê Ánh (TTXVN)
'Canh bạc' bầu cử sớm của Thủ tướng Boris Johnson 
'Canh bạc' bầu cử sớm của Thủ tướng Boris Johnson 

Ngày 29/10, sau nhiều nỗ lực, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã có thể thuyết phục hạ viện nước này chấp thuận tổ chức bầu cử sớm vào tháng 12 tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN