Các chuyên gia cảnh báo nếu con người vẫn duy trì các hoạt động sinh hoạt và sản xuất như hiện nay thì hàng trăm triệu người sẽ phải đối mặt với những hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra như mực nước biển tăng cao, thiên tai và thiếu hụt thực phẩm.
Theo báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), những tác động của biến đổi khí hậu đối với các đại dương và khu vực đóng băng trên thế giới cho thấy nhiệt độ của Trái Đất đã tăng thêm 1 độ C so với trước thời kỳ tiền công nghiệp. Đại dương ngày càng nhiều axit và giảm các nguồn tài nguyên.
Hiện có khoảng 670 triệu người trên thế giới sống ở khu vực núi cao và vùng ven biển có cuộc sống phụ thuộc trực tiếp vào nguồn tài nguyên của đại dương và khu vực đóng băng. Ngoài ra, còn khoảng 4 triệu người sống ở khu vực Bắc Cực và 65 triệu người sống tại các hòn đảo cũng phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên này.
Do vậy, để bảo vệ cuộc sống cũng như kế sinh nhai của họ, IPCC kêu gọi các nước đưa ra các biện pháp nhằm hạn chế sự nóng lên của toàn cầu xuống mức thấp nhất có thể theo Thỏa thuận Paris 2015 được gần 200 nước cam kết.
Báo cáo của IPCC cũng cảnh báo, hiện nay, mực nước biển tăng trung bình 3,6 mm, tăng nhanh gấp đôi so với thế kỷ trước và mực nước có thể tăng cao hơn 1m vào năm 2010. Nếu phát thải khí nhà kính tiếp tục tăng mạnh như hiện nay, 70% lớp băng trên bề mặt có thể bị biến mất. Báo cáo của IPCC dựa trên những nghiên cứu từ 7.000 ấn phẩm khoa học mới nhất về đại dương và khu vực có băng của trên 100 tác giả tới từ 36 nước.