Tốc độ ấm lên tại Nga nhanh gấp 2,5 lần toàn cầu

Ngày 25/12, Bộ Tài nguyên và Môi trường Nga công bố báo cáo cho biết tốc độ ấm lên tại Nga đang nhanh gấp 2,5 lần so với các nước khác trên thế giới.

Cháy rừng và lũ lụt đã hoành hành ở Nga gần như mỗi năm trong thập kỷ vừa qua. Ảnh: AFP

Báo cáo chỉ ra rằng trong giai đoạn 1976-2014, tốc độ tăng nhiệt độ trung bình năm trên toàn lãnh thổ Nga là 0,42 độ C mỗi thập kỷ. Tốc độ đó cao hơn 2,5 lần so với tốc độ tăng nhiệt toàn cầu cùng kỳ (0,17 độ C mỗi thập kỷ). Báo cáo cho biết sự dao động của nhiệt độ ảnh hưởng đến khí hậu toàn cầu, dẫn đến các hậu quả như băng hà tan chảy, mực nước biển dâng cao, lũ lụt, hạn hán, thay đổi hệ sinh vật và nhiều hiện tượng khác.

Biến đổi khí hậu cũng dẫn đến các hiện tượng khí tượng nguy hiểm. Trong năm 2014, Nga đã ghi nhận con số kỷ lục 569 hiện tượng như vậy, đặc biệt là hiện tượng "khan hiếm nước" tại chính hồ chứa nước lớn nhất thế giới là hồ Baikal, vùng Siberia của nước này, dẫn đến nguy cơ cháy rừng cao chưa từng có.

Trong khi tổng lượng khí thải tại Nga không tăng trong vòng 5 năm qua, song lượng khí thải xe hơi lại tăng mạnh do một nửa số xe ô tô tại Nga vẫn sử dụng loại động cơ gây ô nhiễm môi trường với tuổi thọ khoảng 10 năm. Ngay trong mùa Đông năm nay, thời tiết tại thủ đô Moskva và các vùng lân cận cũng ấm một cách bất thường, riêng trong tuần qua, mức nhiệt đã phá vỡ kỷ lục hàng ngày, mới nhất hôm 24/12, nhiệt độ tại Moskva tăng so với nền nhiệt tới 8,5 độ C. Nhiệt độ quá ấm thậm chí còn khiến thành phố phải đóng cửa cả sân trượt băng công cộng, quan sát thấy cả hiện tượng hoa nở sớm tại công viên Moskva.

Đầu tháng 12 vừa qua, tại hội nghị thượng đỉnh LHQ về biến đổi khí hậu tại Paris (Pháp), 196 nước thành viên Liên hợp quốc (LHQ) đã thống nhất được mục tiêu chung kiềm giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 2 độ C cho tới năm 2.100. Để thực hiện các nghĩa vụ tại hội nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường Nga đã phê chuẩn kế hoạch bảo đảm đến năm 2020 giảm mức phát thải khí, quy định các chủ thể kinh doanh phải báo cáo về mức khí phát thải, tạo tiền đề thành lập hệ thống quản lý lượng khí thải cả nước.

TTXVN/Tin Tức
2.000 đảo Indonesia có thể bị nhấn chìm do biến đổi khí hậu
2.000 đảo Indonesia có thể bị nhấn chìm do biến đổi khí hậu

Đến năm 2050 mực nước biển có thể tăng thêm 90 cm, dẫn đến việc có tới 2.000 hòn đảo nhỏ ở Indonesia bị nhấn chìm và 42 triệu gia đình mất nhà cửa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN