Phía nguyên đơn cũng kháng án với lý do tòa đã không yêu cầu vị lãnh đạo thứ 5 phải bồi thường.
Một quan chức tòa án đã xác nhận hai bên đã nộp đơn kháng cáo lên tòa án vào ngày 27/7 vừa qua nhưng từ chối cung cấp thông tin chi tiết.
Hôm 13/7, Tòa án Tokyo đã phán quyết 4 cựu lãnh đạo của TEPCO phải trả 13.000 tỷ yen (98 tỷ USD) bồi thường thiệt hại cho công ty này vì đã không ngăn chặn được sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 do thảm họa động đất - sóng thần gây ra vào tháng 3/2011.
Trong vụ kiện, 48 cổ đông yêu cầu các lãnh đạo của TEPCO bồi thường để thu hồi các khoản lỗ mà công ty phải gánh chịu sau sự cố hạt nhân. Tòa án đã đứng về phía các nguyên đơn và cho rằng các cựu lãnh đạo TEPCO đã không nghe theo nghiên cứu và không thực hiện các biện pháp ngăn chặn như đặt nguồn điện khẩn cấp ở nơi cao hơn.
Các nhân vật bị kiện gồm cựu Chủ tịch Tsunehisa Katsumata, các cựu Phó Chủ tịch Sakae Muto và Ichiro Takekuro, cựu Chủ tịch Masataka Shimizu và cựu Giám đốc điều hành Akio Komori. Trong đó, tòa tuyên tất cả các bị cáo trừ ông Komori phải bồi thường thiệt hại. Do đó, các nguyên đơn đã kháng cáo quyết định ngày 13/7 của tòa án vì không yêu cầu ông Komori phải bồi thường thiệt hại.
Số tiền trong vụ kiện này được cho là khoản tiền bồi thường lớn nhất trong một vụ kiện dân sự ở Nhật Bản và được dùng để TEPCO trang trải chi phí cho việc tháo dỡ các lò phản ứng, bồi thường cho các cư dân bị ảnh hưởng và làm sạch ô nhiễm. Con số này được coi là mang tính biểu tượng vì các cựu lãnh đạo khó có thể bồi thường số tiền lớn như vậy, song các cổ đông vẫn kháng cáo và yêu cầu tòa án tăng mức bồi thường lên 22.000 tỷ yen (160 tỷ USD).