Các công ty bảo hiểm nhân thọ tìm cách giảm thiểu bồi thường trong dịch COVID-19

Các công ty bảo hiểm nhân thọ toàn cầu đang triển khai các biện pháp nhằm giới hạn các khoản bồi thường phát sinh do đại COVID-19 bùng phát, trong đó có những hậu quả sức khỏe lâu dài chưa được biết đến một cách đầy đủ.

Chú thích ảnh
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại quận Jordan ở Kowloon, Hong Kong, Trung Quốc, ngày 23/1. Ảnh: THX/TTXVN

Trao đổi với hãng tin Reuters của Anh, các giám đốc điều hành cùng một số người phát ngôn của các công ty kinh doanh bảo hiểm cho biết các công ty bảo hiểm nhân thọ, trong đó có Prudential Financial Inc và Aviva PLC, đang áp dụng thời gian chờ trước khi các bệnh nhân mắc COVID-19, bao gồm cả những người đã khỏi bệnh, có thể yêu cầu bồi thường. Một số công ty cũng giới hạn phạm vi bảo hiểm đối với các nhóm tuổi nhất định.

Tiến sĩ Paulo Bandeira, Gám đốc y tế của công ty tái bảo hiểm Optimum Re Insurance, cho biết đã gặp gỡ các khách hàng là công ty bảo hiểm nhân thọ, bao gồm Prudential Financial, để vạch ra những rủi ro dài hạn và những tác động tài chính tiềm tàng. Prudential đang áp đặt thời gian chờ tối thiểu 30 ngày đối với các bệnh nhân mắc COVID-19 đã bình phục.

Phó Chủ tịch Prudential cho biết khi những tác động lâu dài của đại dịch được hiểu rõ hơn, công ty sẽ có sự điều chỉnh cẩn thiết trong chính sách bảo hiểm.

Trong khi đó, kể từ tháng 4.2020, công ty bảo hiểm nhân thọ của Anh LV= đã hoãn giải quyết các hồ sơ yêu cầu bồi thường của những người được chẩn đoán mắc COVID-19, có các triệu chứng mắc bệnh hoặc sống cùng với người mắc bệnh. Tương tự, công ty bảo hiểm Aviva PLC áp dụng chính sách hoãn giải quyết hồ sơ của những người đã mắc COVID-19 hoặc có các triệu chứng tương tự trong 30 ngày qua.

Những thay đổi trên được đưa ra khi một số công ty tái bảo hiểm yêu cầu các biện pháp bảo vệ mới từ các công ty bảo hiểm nhân thọ mà họ tiếp nhận một phần trách nhiệm và trong bối cảnh ngành bảo hiểm đang nỗ lực xác định phạm vi bồi thường đối cho các vấn đề sức khỏe do dịch COVID-19 gây ra.

Trong nhiều thập kỷ, các công ty bảo hiểm nhân thọ vốn kinh doanh trong lĩnh vực phòng ngừa rủi ro. Khi dịch COVID-19 bùng phát, ngành bảo hiểm vẫn lạc quan tin rằng dịch bệnh này sẽ không thể gây ra những thiệt hại tài chính lớn, một phần vì họ chưa tiếp nhận làn sóng hồ sơ yêu cầu bồi thường.

Đơn cử như tại Mỹ, trong giai đoạn từ tháng 4 - 8/2020, có khoảng 8% số hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm nhân thọ của các công ty bảo hiểm được thống kê nêu rõ nguyên nhân tử vong là do COVID-19. Các công ty bảo hiểm cũng cho biết cho tới nay, tác động của COVID-19 còn "rất nhỏ" với LV= nói rằng dịch bệnh này chỉ ảnh hưởng tới 2% số hồ sơ yêu cầu bảo hiểm.

Tuy nhiên, những hậu quả mà COVID-19 để lại đang ngày một lộ rõ. Dịch bệnh này đã khiến hơn 2,1 triệu người tử vong trên toàn cầu trong gần 100 triệu ca mắc. Một số nạn nhân phải gánh chịu hậu quả sức khỏe lâu dài như các vấn đề về hô hấp, tổn thương các bộ phận trong cơ thể, suy giảm tuần hoàn và mắc chứng mệt mỏi mãn tính.

Theo các nhà khoa học tại trường King's College London (Anh), ba tuần sau khi phục hồi, 10% bệnh nhân mắc COVID-19 vẫn chưa thực sự khỏe lại và có tới 5% bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi trong nhiều tháng. Đại dịch cũng gây ra một cuộc khủng hoảng sức khỏe tinh thần đối với những người không thể nói lời tạm biệt với những người thân yêu hoặc đã từng bị cách ly trong nhiều tháng, trong khi làm trầm trọng thêm vấn nạn lạm dụng chất kích thích.

Dù còn quá sớm để xác định có bao nhiêu người sẽ nộp đơn yêu cầu bảo hiểm cho các trường hợp tử vong, bệnh tật hoặc tàn tật lâu dài, các công ty bảo hiểm lo lắng những hậu quả mà dịch COVID-19 gây ra có thể kéo dài nhiều thập kỷ.

Phương Oanh (TTXVN)
Các ca tử vong tại châu Âu không liên quan đến vaccine COVID-19
Các ca tử vong tại châu Âu không liên quan đến vaccine COVID-19

Mặc dù hàng chục người đã tử vong ngay sau khi được tiêm vaccine ngừa COVID-19 nhưng giới khoa học khẳng định loại vaccine này không phải là nguyên nhân dẫn đến vụ việc đáng tiếc trên. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN