Các bệnh viện ở miền nam Mỹ cạn oxy cho bệnh nhân COVID-19

Nhiều khu vực ở miền nam Mỹ đang cạn kiệt nguồn cung cấp oxy y tế khi các ca nhập viện do COVID-19 tăng vọt. 

Chú thích ảnh
Điều trị bệnh nhân COVID-19 trong ICU vào ngày 9/8/2021 tại Naples, Florida. Ảnh: CNN

Tình trạng ca nhập viện tăng mạnh nói trên xuất phát từ thực trạng nhiều người Mỹ vẫn chưa tiêm chủng và biến thể Delta nguy hiểm đang lây nhiễm cho hàng triệu người trong làn sóng mới.

Theo các quan chức y tế nhà nước, một số bệnh viện ở các bang Florida, South Carolina, Texas và Louisiana đang phải vật lộn với tình trạng khan hiếm oxy. Một số có nguy cơ phải sử dụng nguồn cung cấp dự trữ hoặc sắp cạn oxy.

Donna Cross, Giám đốc cấp cao về cơ sở vật chất và xây dựng tại công ty y tế Premier, cho biết trước sự gia tăng liên tục trong các ca mắc COVID-19, nhu cầu cung cấp oxy y tế ngày càng nhiều và các bệnh viện không kịp đáp ứng nhu cầu đó.

Bà Cross giải thích: “Thông thường, một bình oxy sẽ nạp đầy khoảng 90% và các nhà cung cấp sẽ để chúng xuống mức 30-40% thì nạp lại, cung cấp một lượng oxy đệm từ 3-5 ngày. Nhưng điều đang xảy ra hiện nay là lượng oxy trong các bình giảm xuống chỉ còn 10-20%, tức là chỉ đủ nguồn cung có sẵn trong 1-2 ngày, trước khi được nạp đầy trở lại”.

"Ngay cả khi chúng được nạp đầy lại, cũng chỉ cung cấp khoảng 50%. Đó là tình huống rất nguy cấp”,  bà Cross nói.

Hôm 28/8 vừa qua, bang Florida có tỷ lệ nhập viện do COVID-19 cao nhất cả nước, với tỉ lệ 75 bệnh nhân/100.000 cư dân – theo dữ liệu từ giới chức y tế liên bang và Đại học Johns Hopkins. 
Bang này cũng ghi nhận tỉ lệ nhiễm mới cao kỷ lục khác là vào 27/8, với 690,5 ca mới trên 100.000 dân mỗi ngày từ 20/8 đến 26/8.

Bệnh nhân tử vong do không tiêm chủng

Tiến sĩ Ahmed Elhaddad, một bác sĩ chăm sóc đặc biệt ở Florida, bày tỏ ông thất vọng và "mệt mỏi khi chứng kiến bệnh nhân tử vong và chịu đựng đau đớn vì không tiêm vaccine”.

Ông Elhaddad lưu ý rằng biến thể Delta đang "ăn" phổi của mọi người, điều này có thể khiến họ tử vong hoặc bị các vấn đề về tim. Vị bác sĩ hiện là giám đốc y tế ICU tại Trung tâm Y tế Jupiter ở Florida, cho biết: “Chúng tôi đang thấy bệnh nhân tử vong nhanh hơn với biến thể Delta”.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại California, Mỹ ngày 19/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN

"Ở đợt dịch này, chúng tôi thấy những bệnh nhân trẻ hơn - 30, 40, 50 tuổi - và họ đang phải chịu đựng. Họ đói oxy và đang chết. Thật không may, trong làn sóng này, họ chết nhanh hơn”, bác sĩ Elhaddad cho biết. Ông lưu ý rằng khu vực điều trị ICU của ông không có bệnh nhân COVID-19 nào đã tiêm chủng, và cũng không có bất kỳ người nào đã tiêm tử vong vì COVID-19.

"Không có loại thuốc kỳ diệu nào... Điều duy nhất mà chúng tôi thấy là vaccine ngăn ngừa cái chết. Nó ngăn bệnh nhân đến ICU", bác sĩ Elhaddad nói.

Bang Florida đã tiêm chủng đầy đủ cho 52,4% tổng dân số của mình, theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) hôm 28/8. Trong khi đó, chưa đến 50% người dân ở Nam Carolina, Louisiana và Texas - nơi nguồn cung cấp oxy cũng thấp - được tiêm phòng đầy đủ. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tiêm phòng đầy đủ là cần thiết để bảo vệ tối ưu chống lại biến thể Delta.

Nguy cơ quá tải bệnh viện khi siêu bão Ida ập đến

Dữ liệu của CDC cho thấy trên toàn nước Mỹ, đến ngày 28/8, có 52,1% dân số được tiêm chủng đầy đủ. Vì thế tỷ lệ tiêm chủng nói chung của Louisiana vẫn nằm trong nhóm thấp nhất toàn quốc với 41,2%. Các bệnh viện của bang này đang phải điều trị hàng trăm bệnh nhân COVID-19 nặng trong bối cảnh siêu bão Ida đe doạ khu vực. 

Chú thích ảnh
Bờ biển ở New Orleans trước khi bão Ida đổ bộ, ngày 29/8/2021. Ảnh: NBC News 

Hôm 28/8, Thống đốc John Bel Edwards cho biết có 2.450 người nhập viện vì COVID-19 ở Louisiana, con số này đã giảm 20% trong 10 ngày qua, nhưng đó vẫn là mức cao nhất kể từ trước làn sóng hiện nay. Hơn 475 bệnh nhân trong số đó đang thở máy.

Bão Ida mạnh cấp 4 đã bắt đầu đổ bộ vào bang này trong ngày 29/8 (theo giờ địa phương)

và các ca bị thương do bão có thể làm tăng nguy cơ cơ sở chăm sóc sức khỏe bị quá tải do bệnh nhân COVID-19 đã lấp đầy các giường bệnh với tỷ lệ cao.

Thống đốc Edwards nói: “Việc sơ tán bệnh viện sẽ không thể thực hiện được vì không có nơi nào để đưa những bệnh nhân đó đến, không có khả năng dư thừa giường ở bất kỳ nơi nào khác trong hoặc ngoài tiểu bang”.

Bang này còn đứng trước một thách thức nguy hiểm khác là tình trạng mất điện kéo dài do bão. Theo ông Edward, việc khôi phục nguồn điện sẽ là cực kỳ quan trọng để duy trì và hoạt động của các bệnh viện.

Thách thức với người trẻ tuổi

Trong khi đó, việc quay trở lại trường học đã dẫn đến việc hàng nghìn học sinh phải cách ly trên khắp nước Mỹ. Các  mắc COVID-19 ở trẻ em đã tăng lên mức cao chưa từng thấy kể từ mùa Đông năm ngoái.

Chú thích ảnh
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho một em bé 1 tuổi ở Seattle. Ảnh: AP 

Tiến sĩ Esther Choo nói với CNN hôm 28/8: “Không có gì phải bàn cãi khi chúng ta đang bước vào một thời kỳ thực sự khó khăn đối với những người trẻ tuổi”.

Vị giáo sư y học khẩn cấp tại Đại học Y tế & Khoa học Oregon nói thêm rằng năm ngoái mọi người đã trấn an rằng virus sẽ không ảnh hưởng nghiêm trọng đến trẻ em, nhưng năm nay thì khác. Đáng chú ý là trẻ em dưới 12 tuổi lại chưa đủ điều kiện để được tiêm vaccine.

Hiện tại không phải tất cả các trường học ở Mỹ đều đã mở cửa, nhưng những trường còn lại dự kiến sẽ mở sau Ngày Lao động, đó là thời điểm mà theo bà Choo, số ca nhập viện trẻ em do COVID-19 có thể tăng lên.

“Chúng ta chắc chắn sẽ được chứng kiến nhiều hơn những gì ta đang thấy, đó là các bệnh viện đang bùng nổ các ca nhập viện nhi”, Tiến sĩ Esther Choo cảnh báo và lưu ý rằng các trường hợp trẻ em tử vong do COVID-19 cũng sẽ phổ biến hơn.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo CNN)
Siêu bão Ida đổ bộ vào bang Louisiana của Mỹ
Siêu bão Ida đổ bộ vào bang Louisiana của Mỹ

Trưa 29/8 theo giờ địa phương, siêu bão cấp 4 Ida đã đổ vào bang Louisiana với mưa lớn, gió mạnh và mực nước biển dâng cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN